Chính phủ đề xuất hỗ trợ 100% lương cho người làm công tác xây dựng pháp luật

Chính phủ đề xuất hỗ trợ 100% lương cho người làm công tác xây dựng pháp luật
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 15-5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
3 nhóm chính sách lớn: Tài chính, con người và công nghệ
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, khắc phục hạn chế, tạo đột phá chiến lược trong công tác xây dựng pháp luật.
Đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Kết luận số 119-KL/TW về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời xây dựng các cơ chế tài chính đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó tập trung vào ba nhóm chính sách lớn gồm tài chính, nguồn nhân lực và và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Đối với nhóm chính sách tài chính đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay ngân sách nhà nước dành cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách thường niên, và sẽ tăng dần theo yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo Nghị quyết cũng áp dụng cơ chế khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trong quá trình xây dựng pháp luật. Định mức chi có thể gấp 3–5 lần so với hiện hành, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm và phòng chống tiêu cực.
Cạnh đó, cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật - một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách - nhằm hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ chưa được cấp kinh phí hoặc cần bổ sung để tạo thay đổi tích cực, hiệu quả, bền vững.
Về chính sách nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho hay Nghị quyết sẽ có chế độ hỗ trợ người làm công tác xây dựng pháp luật với mức 100% lương theo hệ số hiện hưởng (không tính phụ cấp). Chính sách áp dụng cho nhóm cán bộ trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật tại các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, lực lượng vũ trang…
Nghị quyết cũng cho phép áp dụng các cơ chế đặc biệt để tuyển dụng, trọng dụng, biệt phái, hợp tác hoặc thuê chuyên gia phục vụ cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Về ứng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng Tư pháp cho biết dự thảo Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trong các hoạt động xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, phục vụ chuyển đổi số toàn diện trong ngành pháp luật. Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ phục vụ xây dựng pháp luật sẽ được xác định là sản phẩm công nghệ trọng điểm.
Hỗ trợ thu nhập cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, cho biết dự thảo nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TWvề đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Ông Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, bảo đảm mức, định mức chi gắn với khoán chi cho công tác xây dựng pháp luật và việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.
“Các chính sách lớn này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và đều đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW”, đại diện cơ quan thẩm tra cho hay.
Cũng theo ông Tùng, dự thảo cũng đề xuất cơ chế khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động. Vấn đề này, ông Tùng cho hay nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp Luật và Tư pháp cho rằng nên kế thừa quy định hiện hành, để Chính phủ tiếp tục quy định nhằm bảo đảm thống nhất trong quản lý ngân sách. Tuy nhiên, cũng có quan điểm đề xuất giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ quan Quốc hội.
Về chính sách nhân lực, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản đồng thuận với quy định hỗ trợ hằng tháng cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tham mưu chiến lược, xây dựng pháp luật. Đây được xem là một giải pháp đột phá, không chỉ tạo động lực mà còn nhằm nâng cao trách nhiệm, tính liêm chính và chuyên nghiệp của đội ngũ này.
Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất chỉ quy định cụ thể trong nghị quyết đối với các đối tượng đã rõ và được sự đồng thuận cao, còn lại sẽ giao các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, bổ sung sau.
Về thẩm quyền quy định các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng, cơ quan thẩm tra kiến nghị: Các cơ quan của Đảng quy định với cán bộ thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối với cơ quan thuộc Quốc hội, Chủ tịch nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Chính phủ quy định với các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/chinh-phu-de-xuat-ho-tro-100-luong-cho-nguoi-lam-cong-tac-xay-dung-phap-luat-post849861.html