Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. (Ảnh: BÙI GIANG)
Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Quyền lợi phải gắn với trách nhiệm, bảo đảm “có làm có hưởng”
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) nhận định, các chính sách theo dự thảo nghị quyết là rất thỏa đáng, nhằm tạo động lực làm việc, tinh thần khách quan, liêm chính, tránh tư tưởng lợi ích nhóm và phát triển hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp phát huy nguồn lực phát triển đất nước. Bởi lẽ, theo đại biểu, pháp luật là khởi điểm khơi thông các nguồn lực để phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, dự thảo nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Theo đó, quyền lợi phải gắn với trách nhiệm.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: HỒ LONG)
Về đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, phải rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia, từ đó xác định đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Chung quan điểm, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị, dự thảo nghị quyết cần tiếp tục thể chế hóa việc kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nhằm tránh trục lợi chính sách trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời, đại biểu lưu ý, cần rà soát để xác định đối tượng hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật cho thật hợp lý, bảo đảm “có làm có hưởng”.
Đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng tại địa phương được hưởng chính sách đặc thù
Qua nghiên cứu danh mục cơ quan, đơn vị có đối tượng được hỗ trợ hàng tháng, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, đề xuất Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm bổ sung đối tượng là các Ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách) và công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố vì đây là đội ngũ trực tiếp và thường xuyên làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
Đồng thời, theo đại biểu cần rà soát tất cả các đối tượng tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như các vụ chuyên môn thuộc các bộ, ngành; các phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh... để quy định cụ thể các đối tượng được hưởng chính sách đặc thù nhằm bảo đảm tính công bằng.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: BÙI GIANG)
Bày tỏ băn khoăn với nội dung giao Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối tượng khác được hưởng chế độ hỗ trợ hằng tháng ngoài những đối tượng được liệt kê trong dự thảo nghị quyết, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải lắng nghe, cân nhắc thật kỹ, rà soát để nêu đầy đủ các đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc thù vào dự thảo nghị quyết theo hướng “có làm, có hưởng”, để bảo đảm công bằng và tạo sự khích lệ đối với đội ngũ này, còn mức hưởng bao nhiêu thì căn cứ vào công sức đóng góp và khả năng cân đối ngân sách để quy định cho phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng đề nghị, dự thảo nghị quyết cần nghiên cứu, bổ sung thêm các đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương gồm: đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách tại địa phương; công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại Phụ lục I, ban hành kèm theo dự thảo nghị quyết.
Nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật ở địa phương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) đề xuất, dự thảo nghị quyết nên bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách tại địa phương là đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.
.
THU HẰNG