Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Trong phiên thảo luận đã có 37/60 lượt đại biểu đăng ký được phát biểu, trong đó có 4 đại biểu tranh luận với 23 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, 29 ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Sửa đổi Hiến pháp - bước đi chiến lược, đặt nền móng cho sự thống nhất toàn hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi Hiến pháp là bước đi chiến lược có tính nền móng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thống nhất và nâng cao hiệu lực toàn bộ hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trước yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước, bối cảnh hội nhập sâu rộng và xu thế chuyển đổi quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả, Hiến pháp cần tiếp tục được điều chỉnh để bắt kịp thực tiễn, dẫn dắt cải cách thể chế, phát triển đất nước một cách bền vững.
Các ý kiến nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này, tập trung vào hai nhóm nội dung chính: Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, Điều 10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Hai là, các quy định tại Chương IX của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 19.200 văn bản quy phạm pháp luật ở cả Trung ương và địa phương. Cùng với sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội sẽ tiếp tục điều chỉnh các luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân, tổ chức, doanh nghiệp và thẩm quyền của các cấp chính quyền, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy, sửa đổi Hiến pháp không chỉ mang ý nghĩa pháp lý, mà còn là khởi đầu cho một chuỗi cải cách thể chế sâu rộng, mở ra “dư địa” lớn cho phát triển.
Với quyết tâm cao từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sửa đổi lần này hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá chiến lược về thể chế, không chỉ mang tính cấp bách trước yêu cầu thực tiễn, mà còn được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và gần dân như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại, tạo đà cho phát triển nhanh, bền vững, củng cố quốc phòng, an ninh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao đời sống Nhân dân”.
Cần thể hiện rõ nét hơn chủ trương phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết ban hành và các nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời, có nhiều góp ý đối với các quy định liên quan đến nguyên tắc phân định, phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về tổ chức và hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; đề nghị tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách.
Có ý kiến cho rằng, việc tinh gọn bộ máy đạt được hiệu năng, hiệu lực hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào Hội đồng nhân dân và chính quyền nhân dân cấp xã. Bởi theo mô hình mới, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách và tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, cần tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã cũng như đại biểu chuyên trách cấp xã.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây được coi là dấu mốc lịch sử của công tác lập pháp Việt Nam, vì lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp. Đây cũng là một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương của đồng chí Tổng Bí thư, của Quốc hội, của Chính phủ để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết “Ngay sau đây, Chính phủ sẽ ban hành 25 Nghị định để triển khai kịp thời cho việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp và kịp thời triển khai phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương”./.
Ái Vân