Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tại hội trường ngày 15/5/2025.
Buổi sáng, trước khi bước vào thảo luận, các đại biểu đã nghe tờ trình về việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và biểu quyết thông qua. Tiếp đó, các đại biểu đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 24/143 điều, sửa kỹ thuật 23/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và bổ sung mới 2 điều.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, dự kiến dự thảo luật bố cục thành gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015). Dự luật tập trung những vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, gồm: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Cuối buổi sáng các đại biểu đã thảo luận Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết ban hành luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về năng lượng nguyên tử, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật khác có liên quan. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phát triển bền vững ứng dụng năng lượng điện tử, thực hiện cam kết nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển năng lượng nguyên tử, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đưa đất nước phát triển, bứt phá giàu mạnh, đạt được các mục tiêu đề ra trước mắt và lâu dài.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu thảo luận nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc; đồng thời, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu cho biết dự thảo nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều cơ bản thể chế hóa được mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào 5 nhóm chính sách lớn đó là: Cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo ra sự đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu đánh giá việc xây dựng nghị quyết là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, đồng thời, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Ngày 16/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Buổi chiều, các đại biểu nghe Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 sau đó thảo luận ở tổ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022 của Quốc hội.
THANH KHIẾT