Chính phủ hoan nghênh doanh nghiệp tham gia đầu tư đường sắt bắc-nam tốc độ cao

Chính phủ hoan nghênh doanh nghiệp tham gia đầu tư đường sắt bắc-nam tốc độ cao
10 giờ trướcBài gốc
Đường sắt bắc-nam là tuyến hành lang vận tải quan trọng. (Ảnh minh họa: TRUNG HƯNG)
Cần có tuyến đường sắt tốc độ cao phục vụ người dân, phát triển kinh tế
Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển đường sắt và các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực này. Nghị quyết của kỳ họp cũng nêu rõ, với dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, ngoài hình thức đầu tư công, Chính phủ được lựa chọn hình thức đầu tư, nhà đầu tư phù hợp.
Chung quanh vấn đề này, bên lề Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ với báo chí về định hướng, chính sách và quan điểm của Chính phủ đối với việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, cũng như vai trò và cơ hội dành cho doanh nghiệp tư nhân trong dự án trọng điểm này.
Theo Phó Thủ tướng, chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua sau khi Trung ương và Bộ Chính trị ban hành các kết luận quan trọng. Điều này tạo nên sự phấn khởi lớn trong nhân dân. Ông nhấn mạnh, việc đầu tư hệ thống đường sắt hiện đại là điều cần thiết và lẽ ra nên được thực hiện từ lâu.
“Kinh tế của đất nước đã phát triển nhưng để phục vụ cho tăng trưởng, đến nay chúng ta vẫn phải đi trên những con đường sắt từ 100 năm trước, rất bất cập và lạc hậu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
“Đối với đường sắt, chúng ta phải làm thật nhanh, xem đó như là cú hích của nền kinh tế. Không thể chậm trễ hơn vì chúng ta không thể đi mãi trên những tuyến đường sắt hiện tại được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao vai trò và năng lực của khu vực kinh tế tư nhân. Ông cho biết, nhiều công trình trọng điểm quốc gia như các tuyến cao tốc, hầm xuyên núi, nhà máy năng lượng tái tạo... đã và đang được tư nhân thực hiện rất hiệu quả.
Theo ông, vừa qua Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đánh giá kinh tế tư nhân đã và đang là lực lượng đi đầu trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đủ khả năng thực hiện những nhiệm vụ, công trình trọng yếu quốc gia. Chính vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào các công trình trọng yếu.
Phó Thủ tướng thông tin, thực tế cho thấy, ngay khi có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đã có không ít doanh nghiệp tư nhân gửi văn bản đến Chính phủ bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư. Theo Phó Thủ tướng, hiện đã có “chắc chắn không dưới 5” đề xuất tham gia và con số này chưa dừng lại.
“Chính phủ rất hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia làm dự án này và coi đây như sự dấn thân. Chính phủ hoan nghênh, cảm ơn và cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục có đề xuất với Chính phủ về việc tham gia làm dự án”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát triển nền công nghiệp đường sắt mang tầm quốc tế
Phương án thiết kế sơ bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam. (Ảnh: TTXVN)
Về yêu cầu đặt ra đối với tuyến đường sắt mới, Phó Thủ tướng cho hay, Việt Nam là quốc gia có chiều dài địa lý gần 3.000km, do đó hệ thống đường sắt phải được xây dựng hiện đại, tiệm cận chuẩn quốc tế. Đồng thời, dự án cần được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh đội vốn và loại trừ lợi ích nhóm, tiêu cực.
Chính phủ kỳ vọng không chỉ xây dựng một tuyến đường sắt đơn thuần, mà còn hình thành cả một hệ sinh thái đô thị phát triển dọc theo tuyến, với mỗi ga là một đô thị, kèm theo đó là một hệ sinh thái kinh tế bao gồm trung tâm văn hóa, khu du lịch, khu công nghiệp cùng các dịch vụ đi kèm.
Nhìn lại các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông hay Bến Thành-Suối Tiên, Phó Thủ tướng cho rằng đây là những công trình mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, cả thành công lẫn những hạn chế.
Với đường sắt tốc độ cao bắc-nam, Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn: Không chỉ là một tuyến giao thông hiện đại mà phải đi kèm với sự phát triển của nền công nghiệp đường sắt trong nước, đào tạo kỹ sư, công nhân lành nghề và từng bước làm chủ công nghệ.
“Điều chúng ta cần là phải có tuyến đường sắt tốc độ cao để phục vụ dân, phục vụ kinh tế. Kế đó là phải có một nền công nghiệp đường sắt, một đội ngũ nhân lực kỹ sư, công nhân lành nghề để vận hành. Đồng thời, phát triển những tuyến đường sắt mới vì nhu cầu của đất nước còn rất lớn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, bên cạnh hình thức đầu tư công, Chính phủ được cho phép lựa chọn đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư kinh doanh. (Ảnh minh họa: CÔNG VINH)
Phó Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là phải lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp nhất để đạt hiệu quả tối ưu cho đất nước. Thiết kế, giám sát và vận hành dự án cần được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế, với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm.
“Yêu cầu đặt ra là khi đã làm đường sắt thì phải đạt đẳng cấp quốc tế. Do vậy, thiết kế, giám sát, đánh giá là phải theo chuẩn quốc tế, vì thực sự chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải mời các chuyên gia vào để đánh giá. Cách làm của chúng ta là ‘đứng trên vai người khổng lồ’, mình chưa biết thì phải đi học”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, Phó Thủ tướng khẳng định phải có cách làm, bước đi đúng đắn, quá trình lựa chọn phải rất công khai, xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến dự án này. Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã điều chỉnh, bổ sung để có thêm các hình thức đầu tư khác để mở rộng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia.
“Quốc hội đã thông qua chủ trương này, tức là hành lang pháp lý đã có để chúng ta lựa chọn. Bây giờ mục tiêu cao nhất là xem xét, đánh giá xem đầu tư công tốt, kết hợp công-tư tốt, hay đầu tư tư tốt”, ông Bình cho hay.
Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia dự án phải chứng minh được năng lực tài chính, khả năng huy động vốn, năng lực thi công, kinh nghiệm triển khai các công trình lớn, công nghệ và thời gian thi công cụ thể. Mọi hồ sơ sẽ được Hội đồng Nhà nước thẩm định và bảo đảm công khai, minh bạch, “không có chuyện dấm dúi anh A, anh B”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Ông Bình cũng bày tỏ tin tưởng, với cách làm như vậy sẽ giúp đạt được mục tiêu là xây dựng một tuyến đường sắt có hệ sinh thái, nền công nghiệp và một đội ngũ nhân lực để phục vụ cho việc phát triển đường sắt, hướng đến một nền công nghiệp đường sắt hiện đại của Việt Nam.
TRUNG HƯNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/chinh-phu-hoan-nghenh-doanh-nghiep-tham-gia-dau-tu-duong-sat-bac-nam-toc-do-cao-post891968.html