Hà Tĩnh: Chính quyền 'mở khóa', thúc đẩy doanh nghiệp phát triển du lịch

Hà Tĩnh: Chính quyền 'mở khóa', thúc đẩy doanh nghiệp phát triển du lịch
10 giờ trướcBài gốc
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Được thiên nhiên ưu đãi sở hữu "rừng vàng, biển bạc", Hà Tĩnh chiếm rất nhiều ưu thế trong việc đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của địa phương.
Mặc dù, những năm trở lại đây, ngành du lịch Hà Tĩnh bước chuyển mình đầy mạnh mẽ, tăng trưởng đạt kết quả khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất định.
Tuy nhiên, thực tế, du lịch Hà Tĩnh vẫn phát triển chưa tương xứng với thế mạnh vốn có của địa phương. Các sản phẩm du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, chưa thể hiện được sự đặc sắc, riêng có để hấp dẫn khách du lịch thập phương.
Hà Tĩnh có 137 km đường bờ biển được kỳ vọng sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh Thiện Quyền.
TS. Trần Quốc Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp "không khói" nơi này vẫn mãi loay hoay với 2 chữ "tiềm năng".
Hà Tĩnh cũng chưa khai thác được chuỗi sản phẩm du lịch phục vụ các nhu cầu giải trí, mua sắm của du khách. Đơn cử như Hà Tĩnh có 137 km đường bờ biển, ở dòng sản phẩm du lịch biển vốn có lợi thế về không gian để xây dựng các sản phẩm phụ trợ: dịch vụ thư giãn, giải trí… thì địa phương vẫn còn nghèo nàn, chưa bắt kịp xu thế.
"Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng phát triển du lịch, trong đó có việc tận dụng lợi thế đất đai để hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Tuy nhiên, do một số vướng mắc về pháp lý và phương thức thực hiện, việc khai thác hiệu quả các quỹ đất ngắn hạn, đặc biệt là các khu đất chưa được sử dụng lâu dài cho du lịch vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn", ông Lâm nói.
Ngoài ra, các điểm du lịch khác trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có nhiều tiềm năng để phát triển khi tạo thành liên kết vùng. Ảnh Thiện Quyền.
Cũng theo TS. Trần Quốc Lâm, việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Hà Tĩnh để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỷ lệ khách quay lại.
Quan trọng nhất là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường nhưng phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Bởi vậy, cần phải có quỹ đất để các doanh nghiệp được tổ chức khai thác hợp lý sẽ tạo ra các điểm dừng chân, không gian trải nghiệm và tổ chức sự kiện văn hóa – du lịch gắn với cộng đồng.
Được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 576 ha đất nằm tại các vị trí có điều kiện thuận lợi, có thể cho thuê ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch. Hiện đã có hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai cho thuê quỹ đất ngắn hạn.
"Việc cho thuê được thực hiện thông qua hợp đồng, không phải đấu giá quyền sử dụng đất, không cần lựa chọn nhà đầu tư hay yêu cầu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất như các dự án đầu tư dài hạn, sẽ là "chìa khóa" để thu hút các doanh nghiệp du lịch đầu tư", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh đề xuất.
Thuê đất ngắn hạn không qua đấu giá để phát triển du lịch
Trước những đề xuất hợp lý của các nhà đầu tư, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng vừa ký ban hành văn bản về việc quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, thẩm quyền cho thuê đất ngắn hạn được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất và UBND cấp xã, theo đúng quy định hiện hành sau khi tỉnh đã tổ chức lại mô hình chính quyền 2 cấp.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên du lịch Hà Tĩnh chưa đạt được như kỳ vọng.
Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương định hướng và hướng dẫn phát triển các loại hình du lịch gắn với quỹ đất ngắn hạn như: phát triển thêm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nông thôn; du lịch cộng đồng, làng nghề; văn hóa bản địa; tổ chức hoạt động văn hóa – thể thao, tour trải nghiệm, sự kiện nhỏ...
Thông qua việc hướng dẫn cụ thể, các địa phương sẽ xác định được vị trí quỹ đất ưu tiên cho thuê ngắn hạn để bố trí các công trình, không gian du lịch như điểm dừng chân, cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp…
Vì vậy, việc cho phép khai thác quỹ đất ngắn hạn là chiến lược để phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Việc ban hành và triển khai quyết định về quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Hà Tĩnh, trong bối cảnh hiện tại, được đánh giá là bước đi cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và điều kiện pháp lý mới.
Động thái này sẽ góp phần tháo gỡ "nút thắt" trong sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ ngành kinh tế xanh. Qua đó, Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ tăng nguồn thu ngân sách, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế địa phương một cách bền vững, hài hòa với quy hoạch tổng thể.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch được xác định là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm. Với lợi thế về vị trí địa lý và sự đa dạng về sắc thái văn hóa, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực phát huy tiềm năng khác biệt nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từng bước hóa giải những hạn chế, yếu kém để đưa du lịch phát triển xứng tầm.
Anh Ngọc - Thiện Quyền
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ha-tinh-chinh-quyen-mo-khoa-thuc-day-doanh-nghiep-phat-trien-du-lich-20425070615024447.htm