Chính phủ kiến nghị điều chỉnh tăng lương năm 2026

Chính phủ kiến nghị điều chỉnh tăng lương năm 2026
5 giờ trướcBài gốc
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mới đây đã có báo cáo số 187 về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Năm 2024, chi tăng thêm cho điều chỉnh lương cơ sở hơn 188 nghìn tỉ đồng
Theo báo cáo, ngày 30-6-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1-7-2024. “Kinh phí ngân sách nhà nước chi tăng thêm trong năm 2024 cho việc điều chỉnh mức lương cơ sở này là 188,5 nghìn tỉ đồng” – theo bà Trà.
Chính phủ cũng đã bổ sung quy định nâng lương vượt một bậc đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi cơ sở và người có phẩm chất, năng lực nổi trội có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Về nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, báo cáo của Chính phủ nêu rõ trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 174/2024, đồng ý bổ sung 55.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024...
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH
Về hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù về tiền lương, theo Nghị quyết 96/2024, từ ngày 01-7-2024, các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6-2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01-7-2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1-7-2024
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… từ ngày 1-7-2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Việc này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.
Đề xuất năm 2026 triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm
Báo cáo Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện và đưa ra giải pháp khắc phục.
Cụ thể, cho phép các bộ, cơ quan đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị. Cơ chế này không áp dụng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, căn cứ vào quy định, Chính phủ quyết định việc điều chỉnh dự toán của các cơ quan, đơn vị này theo thẩm quyền, tổng hợp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Chính phủ kiến nghị căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN
Báo cáo cũng đề cập đến vấn đề hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính và giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương. Theo đó, trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại các kết luận liên quan sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc sắp xếp.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các ban, bộ, ngành liên quan phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị…
Từ thực tiễn nêu trên, Chính phủ kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV, về kết quả rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).
Chính phủ cũng kiến nghị căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026 bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ (22,7%); 3 cơ quan thuộc Chính phủ (37,5%); 519 Cục và tương đương (77,6%); 219 Vụ và tương đương (54,1%); 3.303 Chỉ cục và tương đương (91,7%)...
Qua sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại 51 tỉnh, TP đã tinh gọn được 9 ĐVHC cấp huyện và 563 ĐVHC cấp xã.
Tinh giản 959 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và 12.630 cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giảm 392 cơ quan trong hệ thống chính trị, các cơ quan thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn và các đơn vị sự nghiệp tại các ĐVHC cấp huyện; giảm 3.378 các cơ quan Đảng ủy, HĐND, UBND, Công an, Quân sự, Y tế, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở ĐVHC cấp xã.
Đ.MINH - N.THẢO
Nguồn PLO : https://plo.vn/chinh-phu-kien-nghi-dieu-chinh-tang-luong-nam-2026-post848094.html