Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV: Đề xuất quy định cấm ép buộc học thêm dưới mọi hình thức

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV: Đề xuất quy định cấm ép buộc học thêm dưới mọi hình thức
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề dạy thêm, học thêm. Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định quyền của nhà giáo được dạy thêm; quy định rõ hơn việc cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức, không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm của học sinh, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên, việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Dự thảo Luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Quang cảnh phiên họp ngày 6-5 tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, cần xem xét lượng kiến thức trong chương trình giáo dục có quá nặng hay không, nếu chương trình và lượng kiến thức giúp học sinh có thể nắm được ngay trên lớp thì họ không có nhu cầu học thêm.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị, cần nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu xã hội, phụ huynh, học sinh, không nên quy cho việc ép buộc học thêm. Với những trường học nhu cầu học thêm là nguyện vọng chính đáng, khi có nhu cầu thì giáo viên chọn cách dạy thêm, cũng giống như làm thêm, sau tiết dạy trên nhà trường giáo viên có thể bỏ thời gian để dạy thêm.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, điều quan trọng là chống khía cạnh tiêu cực, lợi dụng việc này để ép buộc, trục lợi. Cần có quy định về tổ chức dạy thêm một cách chính thống, như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực và nghiên cứu cấm tham gia dạy thêm, học thêm trái quy định của pháp luật. Việc luật hóa cấm dạy thêm, học thêm một cách tự phát là cần thiết, bên cạnh đó cần xây dựng quy chế về dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo.
Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung dự thảo Luật quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự trong và ngoài hoạt động chuyên môn nghề nghiệp; quy định rõ hơn về việc bảo vệ nhà giáo khỏi “các hành vi xúc phạm, bạo lực từ học sinh hoặc phụ huynh học sinh”; bổ sung cơ chế giám sát việc thực hiện quyền của nhà giáo; chế độ hỗ trợ, phục hồi nhân phẩm, danh dự, uy tín cho nhà giáo khi bị xâm phạm, xúc phạm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhà giáo, cũng như công dân khác, đã được bảo vệ bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật tập trung quy định việc bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Dự thảo Luật quy định rõ, người có hành vi xâm phạm thì tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi xúc phạm, bạo lực đối với nhà giáo của các chủ thể liên quan và mức độ xử lý các hành vi xúc phạm sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác; không được công bố các thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Đây là quy định cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh của nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, giúp nhà giáo đủ tự tin tiếp tục làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trong dự thảo Luật không mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin, quyền, nghĩa vụ và những hành vi bị cấm được quy định chi tiết trong Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự... liên quan đến việc đưa thông tin về sai phạm của công dân nói chung, trong đó có nhà giáo. Việc bổ sung quy định về việc phát ngôn sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành thực hiện theo quy định pháp luật về viên chức và pháp luật có liên quan.
MẠNH HƯNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ky-hop-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xv-de-xuat-quy-dinh-cam-ep-buoc-hoc-them-duoi-moi-hinh-thuc-827086