Khi bớt lo cơm áo gạo tiền, nhà giáo mới toàn tâm toàn ý với việc trồng người

Khi bớt lo cơm áo gạo tiền, nhà giáo mới toàn tâm toàn ý với việc trồng người
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 5/5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
ĐBQH Bế Trung Anh - Đoàn Trà Vinh (ảnh: TTXVN).
Đề cập chính sách hỗ trợ nhà giáo, ĐBQH Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng, không nên dành cho nhà giáo thuật ngữ "ưu đãi". Theo đại biểu, với những nhà giáo chân chính, tự trọng của họ không cho phép họ nhận bất cứ một ưu ái nào. Họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của họ, tức là đãi ngộ xứng tầm.
"Chúng ta có cảm nhận, các nhà giáo ngày xưa được trọng hơn bây giờ. Có thể, vì lúc đó họ luôn có điều kiện để thanh sạch, luôn tâm huyết với nghề "lái đò" của mình, họ không còn thời gian và cũng không cần suy tính hơn thiệt, vì xung quanh họ không ai có thu nhập nhiều hơn, hoặc cuộc sống khấm khá hơn.
Nhưng nay mọi thứ đã khác. Để vẫn dạy học, giữ nghề, để chứng minh con đường họ chọn làm nghề cao quý trong các nghề cao quý không sai, để con cái họ bằng chúng bằng bạn, họ phải làm thêm bằng đủ các cách khác nhau. Từ bán hàng online, đi xe ôm, thậm chí trong thời gian "sốt" đất vừa qua, không ít cô giáo đi làm "cò" đất", đại biểu nêu ý kiến và đặt câu hỏi: Thầy cô giáo kiếm tiền ngoài nghề dạy học bằng cách nào, khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống?
Từ đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh luật gần với thực tiễn hơn, để nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền, khiến họ được tự hào với nghề của mình, toàn tâm toàn ý vào việc trồng người.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu. Ảnh: TTXVN.
Cũng quan tâm đến ưu đãi cho nhà giáo, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo rà soát quy định phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác, tùy tính chất công việc, vùng theo quy định của pháp luật.
Nói thêm về quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, đại biểu đề nghị xem xét khoản này do việc dùng câu "các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo" còn chung chung, dễ gây hiểu không đúng về chính sách.
Mặt khác, quy định "Địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục" cần xem xét, cân nhắc đảm bảo có sự thống nhất cho các địa phương.
"Địa phương có điều kiện về ngân sách thì ban hành chính sách hỗ trợ nhà giáo, địa phương không có điều kiện về ngân sách thì không ban hành, như vậy là thiếu công bằng", đại biểu Thu nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội.
Giải trình, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua các ý kiến phát biểu của các ĐBQH, ông cảm nhận được tinh thần, sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu.
Riêng về vấn đề khuyến khích địa phương hỗ trợ cho nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, đối với một số địa phương có điều kiện, rất nên khuyến khích việc này.
"Ví dụ TP. HCM trong thời gian vừa qua đã chủ động dành nguồn kinh phí để hỗ trợ đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, hạn chế tình trạng chuyển việc, nghỉ việc.
Theo tôi đây là điều hết sức đáng quý. Chúng ta cần khuyến khích các nơi có điều kiện, còn ở những nơi chưa có điều kiện, nhà nước phải có thêm chính sách hỗ trợ các địa phương đó", ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, thực tế giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên.
Yến Chi
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/khi-bot-lo-com-ao-gao-tien-nha-giao-moi-toan-tam-toan-y-voi-viec-trong-nguoi-192250506114433499.htm