Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và 2 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Cơ cấu tổ chức Chính phủ gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ nhằm bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 35 điều.
Về phương án cơ cấu tổ chức, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý (riêng Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chuyển về Bộ Công an).
Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an.
Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội (riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển sang Bộ Công an) từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sang Bộ Y tế; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Quang cảnh khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc.
Chính phủ cũng đề nghị duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ sau: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hoàn thiện quy định về “phân cấp,” “ủy quyền”
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ. Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung về phân cấp (Điều 8) trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13078-CV/VPTW ngày 14/1/2025, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để “tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.”
Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về “phân cấp,” “ủy quyền” tại dự thảo Luật, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng: khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, cần làm rõ về việc cơ quan nhận phân cấp có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới hay không?
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như đề nghị của Chính phủ; đề nghị Chính phủ có Kế hoạch triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ để kịp thời triển khai các công việc cụ thể ngay khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí sự cần thiết việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ; đề nghị từ nay đến Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các cơ quan cần tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành.
“Nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay và tương lai sắp tới để đất nước phát triển. Việc sửa đổi phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền của luật này với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)…,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 7), Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, các cơ quan phải bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 1/2025).
Các nguyên tắc phân định thẩm quyền cơ bản quy định rõ về mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc, với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp; tính toán, xử lý các nội dung còn giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.
Về phân cấp, phân quyền (Điều 8, Điều 9), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó khi sửa đổi hai luật này phải bảo đảm thông suốt, thống nhất, đồng bộ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến những điều kiện phân cấp như: tài chính, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, kinh nghiệm quản lý... trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền; làm rõ hơn điều kiện, khả năng đáp ứng của cơ quan, tổ chức, người được phân cấp, bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.
“Cùng một luật, một nghị định, thông tư nhưng tại sao có những địa phương làm hết sức quyết liệt, không nói khó nhưng cũng có những địa phương phản ánh là do luật, do nghị định, thông tư,” Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sắp xếp tổ chức bộ máy./.
(TTXVN/Vietnam+)