Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
5 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội tại Phiên thảo luận là quy định về việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường.
Theo Tờ trình Dự án Luật, Chính phủ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường từ 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhất trí bổ sung nước giải khát có đường vào nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng, đây là một biện pháp định hướng hành vi tiêu dùng, hạn chế lạm dụng chất có đường gây hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là “đồ uống có đường nói chung” thay vì “nước giải khát có đường”. Bởi vì, Tờ trình của Chính phủ có đề cập đến nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ, Bộ Tài chính trong Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đều là áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Bày tỏ lo ngại tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát.
Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo TCVN hẹp hơn nhiều so với đồ uống có đường. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhóm công tác về sức khỏe cũng có khuyến nghị với Chính phủ các quốc gia áp dụng biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng hành vi tiêu dùng.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, Dự thảo Luật nên quy định theo một trong hai hướng. Thứ nhất, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường từ 5g/100ml. Thứ hai, liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.
“Nhưng dù quy định theo hướng nào thì trong Dự thảo Luật cũng cần ghi rõ là áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường chứ không chỉ giới hạn là nước giải khát có đường; như vậy mới đúng với mục tiêu thực hiện chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế tiêu dùng đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, phải quan tâm đến các loại thức uống có đường, không chỉ nước giải khát. Đặc biệt, đại biểu đề nghị có một danh mục cụ thể liệt kê loại thức uống nào, loại giải khát nào có đường cần phải có thuế tiêu thụ đặc biệt và danh mục này có thể giao cho Chính phủ điều chỉnh từng thời kỳ.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nêu, theo WHO, nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây lên tình trạng thừa cân, béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu về bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bệnh lý thận, tiết niệu, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, ung thư tiêu hóa, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến hệ xương, răng do tăng lượng đường nạp vào cơ thể nhiều hơn mức cần thiết.
Vì vậy, để có cơ sở cho Quốc hội quyết định, đại biểu đề nghị làm rõ tỷ lệ béo phì, thừa cân ở Việt Nam gắn với nguyên nhân gì, đồng thời đánh giá thêm đối với nhóm người sử dụng nhiều nhất nước giải khát có đường có hàm lượng từ 5g/100ml.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại Phiên thảo luận. Ảnh: VPQH
Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc về nước giải khát có đường theo TCVN với hàm lượng là 5g/100ml là do Chính phủ quy định. Vì vậy, Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Đại biểu lo ví dụ như nước dừa có phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hay không, sữa hay là sản phẩm từ sữa, sản phẩm lỏng có lợi cho dinh dưỡng hay là nước hoa quả nguyên chất, ca cao… Những loại này không phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính phủ sẽ có quy định tại nghị định” - Phó Thủ tướng nói.
Lý giải băn khoăn của đại biểu về việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường mà lại không đánh thuế đối với các chất đường rắn, Phó Thủ tướng cho hay, theo WHO, nước giải khát có đường lỏng hấp thụ vào gan rất nhanh, gây ra nhiều bệnh; còn đường thể rắn dung nạp và tác động sẽ chậm hơn, được ngăn ngừa kiểm soát tốt hơn.
Đ. KHOA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/chinh-phu-se-quy-dinh-loai-nuoc-giai-khat-nao-khong-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-36629.html