Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu nên người dân sẽ vẫn dùng ngay cả khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mức cao.
Nên đưa điều hòa ra khỏi diện phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt
Ở Việt Nam, mặt hàng điều hòa nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, mặt hàng này được giữ nguyên mức thuế suất 10%.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ; tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.
"Lúc này, nếu chúng ta thu thuế điều hòa 10% hay tăng lên đến 50% thì người dân vẫn phải dùng điều hòa như thế, không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được và như vậy rõ ràng thuế TTĐB không có tác dụng", ông Cường nói và đề nghị không nên đưa vào Luật Thuế này những sản phẩm thiết yếu không thể có sản phẩm khác thay thế, thu thuế không làm thay đổi hành vi.
Đây cũng là quan điểm của các đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre), Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)...
Trong đó, đại biểu Việt Nga cho rằng, điều hòa nhiệt độ hiện nay được sử dụng như một thiết bị thiết yếu do sự biến đổi của khí hậu và sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng điều hòa nhiệt độ, ngay cả các phòng trọ cho đối tượng có thu nhập thấp, cho sinh viên thuê cũng đều trang bị điều hòa nhiệt độ.
Điều đó cho thấy đây không còn là mặt hàng được coi là xa xỉ dành cho đối tượng có thu nhập cao nữa. Vì vậy, nên cân nhắc bỏ quy định này.
Vì sao bia có nồng độ cồn 5% lại đóng thuế bằng mức rượu nặng trên 20 độ?
Đồng tình với việc phải tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia vì rượu, bia có hại do nồng độ cồn, đại biểu cho rằng những đồ uống có cồn nồng độ cao rõ ràng thuế phải cao hơn.
Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, trong phương án trình dự thảo Luật hiện nay, chúng ta thấy rằng rượu mạnh trên 20 độ thuế cao nhất, sau đó rượu dưới 20 độ thuế thấp hơn, bia là loại thấp nồng độ cồn nhất nhưng thuế suất lại tương đương với rượu nặng.
"Đây là một điều rất bất hợp lý", ông Cường nói.
Mặt khác, đại biểu cho rằng, hiện nay nhiều người cho rằng bia không phải là một loại đồ uống có cồn theo kiểu gây nghiện, thực ra nó như một đồ giải khát, có tác động rất chặt chẽ với các khách hàng, dịch vụ như ngành ăn uống, ngành du lịch.
Hiện nay chúng ta đang cần phục hồi kinh tế, nếu như ngành du lịch, ngành ăn uống lại không được hỗ trợ để phục hồi thì sẽ ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng. Từ đó, ông Cường cho rằng cần điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc tỷ lệ tăng cao nhất là rượu mạnh, sau đó thấp hơn là rượu dưới 20 độ và thấp hơn nữa là tỷ lệ với bia, như thế mới hợp lý.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật đang áp thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh 9đoàn Bắc Ninh)
"Nếu thuế suất tính theo độ cồn với quan điểm độ cồn càng cao thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nhiều, tại sao thuế suất của bia lại ở mức cao hơn rượu ở nồng độ cồn dưới 20 độ, trong khi độ cồn của bia chỉ khoảng 5 độ?", đại biểu đặt câu hỏi và yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ.
Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như pin, săm lốp ôtô (kinh nghiệm của Thái Lan, Indonesia), túi ni-lon và sản phẩm nhựa dùng một lần (kinh nghiệm của Campuchia)...
Xe pickup chở hàng cabin kép nộp thuế như ô tô hiện đại là không hợp lý
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu, mặt hàng xe ô tô pickup chở hàng cabin kép đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15 - 25%. Nếu áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật, thuế suất sẽ bằng 60% xe con chở người cùng dung tích xi lanh, và có thể tăng lên ít nhất 9% hoặc có loại tăng gấp đôi.
Theo đại biểu, hiện nay, dòng xe này sử dụng chủ yếu ở ngoài đô thị với công năng chính là chở hàng và nhiều hộ gia đình, đơn vị sử dụng phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ, thuận tiện, đơn giản trong vận chuyển.
Hơn nữa, tại Việt Nam, loại xe pickup chở hàng cabin kép chỉ chiếm khoảng 5% thị phần ô tô cả nước, chưa đến mức quá lớn để gây ảnh hưởng đến giao thông nếu sử dụng trong khu vực đô thị.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
"Với đặc điểm kỹ thuật riêng và công năng linh hoạt như vậy, xe pickup chở hàng cabin kép là dòng xe có tính phù hợp với nhóm sản phẩm được ưu tiên theo Quyết định 1168 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/7/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đó là chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn", bà Nga nhấn mạnh và đề nghị đưa mặt hàng này ra khỏi diện chịu thuế TTĐB.
Bao thuốc 6.000 đồng và hộp xì gà tiền triệu chịu thuế như nhau là vô lý
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nêu một điểm bất cập của dự thảo Luật là tại Điều 9 dự thảo Luật sửa đổi cơ bản mức thuế suất tại biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng hóa. Theo đó, bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá được tính thuế theo phương pháp tính thuế hỗn hợp.
Qua tìm hiểu, đại biểu cho biết, hiện nay giá thuốc lá điếu trên thị trường dao động từ 6.000 - 50.000 đồng/bao; xì gà có loại 7 USD/điếu (khoảng 175.000 đồng), có loại dao động từ 5 - 7 triệu đồng/điếu.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh)
Như vậy, nếu tính theo phương pháp tuyệt đối thì một gói thuốc có giá bán 6.000 đồng hay 50.000 đồng đều bao gồm mức thuế TTĐB như nhau là từ 2.000 cho đến 50.000 đồng/bao, 1 điếu thuốc xì gà từ 175.000 đồng/điếu hay 7 triệu đồng/điếu đều phải chịu mức thuế tuyệt đối từ 20.000 - 100.000 đồng.
Việc tính thuế theo mức tuyệt đối như vậy, theo đại biểu là chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế.
"Tôi cho rằng việc tính thuế hiện nay theo phương pháp tương đối vẫn chuẩn nhất. Còn nếu tính theo phương pháp tuyệt đối cộng với theo phương pháp hỗn hợp này thì rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến các đối tượng nộp thuế khác nhau", đại biểu đoàn Hà Tĩnh nêu quan điểm.
Minh Minh