Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, rượu, bia...: Cần có lộ trình

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, rượu, bia...: Cần có lộ trình
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 27-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Các đại biểu (ĐB) Quốc hội khá thống nhất khi đề nghị không đánh thuế TTĐB đối với điều hòa nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau về thuế này đối với nước giải khát có đường, thuốc lá, rượu, bia.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: PHẠM THẮNG
Đánh thuế TTĐB toàn bộ “đồ uống có đường”?
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đồng ý rằng thuế này có tác dụng điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hạn chế lạm dụng chất có đường gây hại cho sức khỏe và đề nghị phải “mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường”.
Lý do, theo ĐB Thúy, nếu quy định chỉ có “nước giải khát có đường” mới phải chịu thuế TTĐB thì dễ làm cho người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ có loại nước này mới “không được khuyến khích sử dụng”. Bởi thực tế còn nhiều loại đồ uống khác có hàm lượng đường cao hơn cả “nước giải khát có đường”.
Bà Thúy đề nghị hai phương án là áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml và liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) lại lo ngại nếu chiếu theo tiêu chuẩn Việt Nam thì các loại nước trái cây nói chung và nước dừa đóng hộp nói riêng cũng được liệt kê vào nhóm phải chịu thuế TTĐB. “Nước dừa tự nhiên đã có hàm lượng đường tương đương 6-7 g/100 ml và tốt cho sức khỏe chứ không có hại” - bà Thủy nói và dẫn chứng Bến Tre là tỉnh trồng dừa, nếu áp thuế như vậy có thể ảnh hưởng tới đời sống của 200.000 nông dân trồng dừa, gây thất thu ngân sách của các địa phương trồng dừa…
Giải trình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận ý kiến của các ĐB đã đồng tình rất cao phải đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường “để đảm bảo sức khỏe cho người dân và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay”.
Ông Phớc cũng trấn an rằng các sản phẩm sữa, từ sữa, nước uống có lợi cho dinh dưỡng hay nước hoa quả nguyên chất như nước dừa… thì không phải chịu thuế TTĐB. “Chính phủ sẽ có quy định tại nghị định” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG
Thuốc lá Việt Nam đang rẻ nhất
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói ông ủng hộ việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Dù vậy, ông An cùng một số ĐB khác cho rằng áp thuế TTĐB đối với thuốc lá, xì gà... cần “cẩn trọng” khi tăng thuế cũng như phương pháp tính thuế. Bởi nếu cứ tăng thuế “sốc” như vậy sẽ có tác động đối với người dân và doanh nghiệp làm thuốc lá trong bối cảnh các doanh nghiệp này cũng đóng góp cho ngân sách cao.
Ông An cũng cho rằng đưa cả thuốc lào - “đặc sản của Việt Nam” vào tính thuế TTĐB sẽ rất khó. Ông An cho rằng ông nói những điều này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp, nhằm mục tiêu vừa thu được ngân sách, vừa bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động và việc làm cho người dân.
Các ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh), Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) và một số ĐB khác cũng chung quan điểm. “Hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất giảm, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá, ảnh hưởng đến an ninh biên giới, thu ngân sách giảm” - ĐB Kim Anh nói và đề nghị tăng thuế một cách hợp lý.
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh). Ảnh: PHẠM THẮNG
Ở chiều ngược lại, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nêu phản biện lại các ý kiến cho rằng cần cẩn trọng, thận trọng và có lộ trình với áp thuế TTĐB cho thuốc lá. “So với thế giới, Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia có nhiều cái nhất như giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất và chậm điều chỉnh trong suốt thời gian dài. Tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm khoảng 108.000 tỉ đồng và chiếm 1,14% GDP, trong khi chi phí cho khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu mới chỉ chiếm 0,82%, còn giáo dục là gần 5% GDP” - ĐB Thúy nói.
Bà Thúy cũng phản biện các ý kiến cho rằng tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ làm người tiêu dùng tìm đến thuốc lá rẻ và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp. Bà Thúy cho biết hơn 80% thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam có giá cao hơn 30%-60% giá thuốc lá trong nước. Lao động trong ngành thuốc lá chỉ chiếm 0,4% tổng số lao động, diện tích trồng thuốc lá ở Việt Nam ngày càng giảm.
“Như vậy, những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá gây ra là không đáng kể” - ĐB Thúy nói và đề nghị phải tăng thuế TTĐB cao hơn nữa, chứ không chỉ theo phương án của Chính phủ đề xuất.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình cũng nói thuốc lá có tác hại vô cùng lớn. Mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 1 tỉ USD cho chữa bệnh do thuốc lá gây ra. Thuốc lá ở Việt Nam rẻ nên cần đánh thuế TTĐB cao hơn vì nhiều lợi ích cho cộng đồng.•
Đề nghị có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
Tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia cũng được nhiều ĐB thảo luận. Đa số ĐB thống nhất cần tăng thuế nhưng đề nghị nên có lộ trình để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói rượu, bia, thuốc lá là các mặt hàng chủ lực nộp ngân sách rất cao. Ông Hòa đồng ý tăng thuế TTĐB nhưng phải có lộ trình để các hãng có tâm thế chuẩn bị để sau năm 2030 có thể người ta không còn sản xuất nữa. ĐB Hòa cũng cho rằng thuốc lá, rượu, bia đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế, phí môi trường; phí phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; rất nhiều loại phí mà nếu bây giờ tăng đột ngột như vậy sẽ rất khó khăn.
Các ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia… nhưng cho rằng cần xem lại phương án tăng thuế đối với bia. “Trong bối cảnh phục hồi du lịch, ăn uống mà lại tăng thuế TTĐB thì không hợp lý. Theo tôi, cần tăng nhưng tỉ lệ tăng cao nhất là rượu mạnh, sau đó thấp hơn là rượu dưới 20 độ và thấp hơn nữa là tỉ lệ với bia, như thế mới hợp lý” - ĐB Cường nói.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay bia và rượu không thể thay thế và dùng làm đối sánh nhau. Việc áp thuế TTĐB đối với rượu, bia phụ thuộc vào không chỉ nồng độ cồn, tác hại của rượu, bia mà còn phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng, giá cả để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-thuoc-la-ruou-bia-can-co-lo-trinh-post822006.html