Theo Bộ Ngoại giao Sudan, việc triệu hồi phái viên của mình tại Kenya về nước để tham vấn, nhằm phản đối việc Kenya tổ chức các cuộc họp của RSF và các đồng minh của họ “trong một động thái thù địch khác chống lại Sudan”. Bộ Ngoại giao Sudan cũng cáo buộc Tổng thống Kenya William Ruto vì đã “chấp nhận và khuyến khích một âm mưu” vi phạm chủ quyền của nước này.
RSF cho biết, họ sẽ ký một hiến chương để thành lập một “chính phủ hòa bình và thống nhất”, tại một sự kiện dự kiến diễn ra vào hôm nay (21/2) ở Thủ đô Nairobi của Kenya.
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters
Xung đột đã bùng phát tại Sudan vào tháng 4/2023, giữa quân đội và RSF. Cuộc chiến cho đến nay đã khiến đất nước này gần như bị chia cắt làm đôi, khi quân đội Sudan kiểm soát miền Bắc và miền Đông, trong khi RSF nắm giữ gần như toàn bộ miền Tây và một phần miền Nam. Trong những tháng gần đây, quân đội Sudan đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ở Thủ đô Khartoum và các vùng phụ cận, cũng như bang Al-Jazirah ở phía Nam. Gần 2 năm diễn ra cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người Sudan thiệt mạng, hơn 12 triệu người phải di tản và nạn đói đã lan rộng ra nhiều khu vực.
Bộ Ngoại giao Kenya hôm 19/2 cho rằng, việc họ tổ chức sự kiện cho RSF phù hợp với vai trò trung gian của nước này, trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên.
Cũng trong ngày 19/2, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, động thái này có thể làm gia tăng sự chia cắt tại Sudan và có nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn.
Minh Ngô/VOV-Cairo