Sau khi lấy phiếu và nhận được sự đồng thuận cao từ các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng vừa ký tờ trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ 1.115 tỉ đồng lên 38.251 tỉ đồng.
Vốn điều lệ thấp khó làm ăn lớn
VEC được Bộ GTVT thành lập từ năm 2014 để thay mặt Nhà nước đầu tư, quản lý, bảo trì và tổ chức thu phí các tuyến đường cao tốc quốc gia.
Hiện VEC làm chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc, chiều dài 550 km, gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Tổng mức đầu tư cả 5 tuyến này lên đến 108.865 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 44.4%, còn lại là VEC huy động.
Trong tổng số 5 tuyến cao tốc, có 4 tuyến đi vào hoạt động, chỉ riêng cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa đưa vào sử dụng.
Sau khi được tăng vốn điều lệ, VEC dự kiến sẽ đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường bộ cao tốc. Ảnh: V.LONG
Về mặt kinh doanh, Chính phủ khẳng định VEC được đánh giá là “doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả”. Trong ba năm từ 2021 đến 2023, tổng doanh thu của VEC khoảng trên 20.556 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.469 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.015 tỉ đồng; không phát sinh các khoản nợ quá hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp này được nhận định là quản trị hiệu quả dòng tiền tích lũy, chủ động cân đối hơn 7.547 tỉ đồng thay thế nguồn vốn đầu tư công thực hiện các hạng mục còn lại của dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành.
“Như vậy, kết quả sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ và cấu trúc tài chính của VEC chuyển biến tích cực”- Chính phủ đánh giá.
Theo kế hoạch đầu tư được các cấp thẩm quyền phê duyệt, VEC cần gần 40.000 tỉ đồng để đầu tư cao tốc.
Trong đó, trước mắt phải tự cân đối từ nguồn vốn chủ sở hữu thay thế nguồn vốn đầu tư công thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành với số tiền hơn 7.547 tỉ đồng; đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng; mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai với vốn khoảng 7.000 tỉ đồng.
Như vậy, có thể thấy VEC cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng hiện vốn điều lệ VEC rất thấp, chỉ 1.115 tỉ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó huy động ngân hàng cũng như khó phát hành trái phiếu công trình để đầu tư dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn.
“Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC là cần thiết và cấp bách, thực hiện đúng chủ trương, nhiệm vụ được giao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt…”- Chính phủ khẳng định.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng chỉ ra rằng mô hình tổ chức hoạt động của VEC cho thấy việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ giúp VEC phát huy được mô hình doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển, quản lý vận hành, khai thác đường bộ cao tốc, thể hiện được vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia.
Tiền đâu để tăng vốn?
Với thực tiễn như nêu trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng vốn điều lệ của VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỉ đồng. Trong đó, 1.562 tỉ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, 36.689 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Theo Chính phủ, sở dĩ Quốc hội quyết định vấn đề trên bởi lẽ Luật Đầu tư công không có nội dung quy định việc bố trí vốn cho các dự án và chuyển thành cấp vốn điều lệ cho các doanh nghiệp nhà nước. Song song với đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định về chuyển vốn ngân sách Nhà nước cấp phát thành tăng vốn điều lệ.
“Việc Quốc hội quyết định vấn đề trên nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước, Thủ tướng quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”- Chính phủ lý giải thêm.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét tăng vốn điều lệ cho VEC trong kỳ họp Quốc hội gần nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp bất thường thứ 9, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 này, để xem xét phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ cho VEC.
Theo Thủ tướng, "việc tăng vốn điều lệ cho VEC là rất cần thiết và cấp bách”.
VIẾT LONG