Chính phủ ủng hộ phát triển điện hạt nhân, Đại biểu Quốc hội nói gì?

Chính phủ ủng hộ phát triển điện hạt nhân, Đại biểu Quốc hội nói gì?
8 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay (15/5), Quốc hội tiến hành thảo luận Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và một số nội dung khác.
Phát triển điện hạt nhân là cần thiết
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) bày tỏ sự nhất trí cao với việc cần phải sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử nhằm thể hiện tính chiến lược trong định hướng phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an toàn, năng lượng và phù hợp với bối cảnh của đất nước ta trong tình hình mới. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) cũng đã thể hiện chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong tất cả mọi lĩnh vực, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành công. Vì thế, việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất cần thiết.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11, người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước được hưởng phụ cấp đặc thù. Bà Thủy cho rằng điều này chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về chính sách phát triển nguồn nhân lực tại luật này là phải áp dụng chính sách đãi ngộ đặc biệt nhằm thu hút đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tương đồng và phù hợp với nguyên tắc và chính sách hoạt động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi) đang trình tại kỳ họp này", bà Thủy nói.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận). (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo đại biểu Thủy, việc đề ra chính sách đãi ngộ đặc biệt vào trong luật này sẽ là cơ sở pháp lý, là kim chỉ nam cho việc hoạch định, xây dựng các chính sách đãi ngộ trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả hơn để phát triển nguồn năng lượng nguyên tử.
Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định về cơ chế chính sách đặc biệt vào trong dự thảo luật đối với các vấn đề liên quan đến vị trí được lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
“Ninh Thuận là địa phương đầu tiên của cả nước được lựa chọn xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới. Nhằm tạo cơ chế đặc biệt để Ninh Thuận hoàn thành vinh dự này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 189 ngày 19/2/2025 quy định về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời gian tới có thể sẽ có nhiều nhà máy điện hạt nhân khác được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Do đó các địa phương khác cũng có thể được lựa chọn nếu các cơ chế chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa.
Dự thảo luật lần này sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất đảm bảo thực hiện chung cho các địa phương được lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại bày tỏ quan điểm về vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Điều 13). Theo ông, đây là vấn đề rất quan trọng bởi liên quan đến thành lập các cơ sở hoạt động, chế biến chất phóng xạ, xây lò phản ứng hạt nhân.
“Tư nhân xây dựng lò phản ứng hạt nhân, cơ sở năng lượng nguyên tử được không? Cần làm rõ lĩnh vực nào là Nhà nước làm, lĩnh vực nào tư nhân làm. Không phải lĩnh vực nào cũng xã hội hóa được.
Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh cho cơ sở hạt nhân phải chặt chẽ, từ thiết kế xây dựng, phải có thẩm định. Việt Nam nếu không đủ khả năng thì phải có sự hợp tác của nước ngoài để thiết kế, xây dựng các công trình này cho an toàn”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Về địa điểm xây dựng các cơ sở hạt nhân, đại biểu đề xuất: “Theo tôi, làm ở đâu thì làm nhưng không nên xây dựng ở khu dân cư. Hoặc nếu có thì phải di dời, tái định cư cho người dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn”.
Về thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phóng xạ, ông Hòa cho rằng đây là việc rất mới, Việt Nam chưa có tiền lệ. "Cho nên tôi đề nghị cần phải đưa vào quy định cụ thể, nhưng cần tham khảo để có sự tương đồng với luật khoáng sản, địa chất đã được thông qua”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Phải đảm bảo an toàn về môi trường và con người
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng. (Ảnh: Media Quốc hội).
Tham gia ý kiến về Dự thảo Luật năng lượng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh việc cần tập trung đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn môi trường và sức khỏe cộng đồng, liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Về nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, ông Hùng cho rằng nên thể hiện rõ tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đến cùng với việc chất thải mình tạo ra ngay cả trong trường hợp chuyển giao cho bên thứ ba.
“Thực tiễn nhiều quốc gia cho thấy nếu không có quy định trách nhiệm đến cùng sẽ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc để lại gánh nặng cho Nhà nước xử lý hậu quả về môi trường. Đặc biệt, trong các trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc cố tình thoái thác nghĩa vụ”, đại biểu Hùng nói.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, cần xem xét, cân nhắc, quy định rõ thêm nội dung trước khi được cấp phép tiến hành công việc bức xạ tổ chức, cá nhân phải trình bày kế hoạch xử lý chất thải phóng xạ đi kèm. Bởi vì việc kiểm soát chất thải ngay từ giai đoạn cấp phép sẽ giúp Nhà nước chủ động trong công tác quản lý, phòng ngừa rủi ro từ sớm.
Đồng thời, buộc chủ thể sử dụng nguồn phóng xạ có trách nhiệm toàn diện với hoạt động của mình. Tránh tình trạng phát sinh chất thải mà không có phương án xử lý cụ thể.
Về tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở quản lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng, ông cho rằng không chỉ tuân thủ quy định quy chuẩn kỹ thuật mà còn phải có đánh giá tác động xã hội được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng.
Vì các cơ sở xử lý chất thải hạt nhân có thể gây lo ngại cho xã hội và ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Nếu không đánh giá đầy đủ yếu tố xã hội và thiếu minh bạch trong quy trình phê duyệt dễ dẫn đến khiếu kiện, phản đối, làm chậm tiến độ và gây nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) cũng kiến nghị cần quy định trách nhiệm pháp lý cụ thể, rõ ràng đối với cán bộ quản lý khi cố ý không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về sự cố phóng xạ hạt nhân.
Theo đại biểu, đây là lỗ hổng đáng lưu ý vì vai trò báo cáo kịp thời có tính nhất định trong công tác ứng phó sự cố và kiểm soát hậu quả.
“Tôi kiến nghị bổ sung điều khoản mới nghiêm cấm người đứng đầu cơ quan tổ chức có trách nhiệm báo cáo nhưng cố ý không thực hiện, trì hoãn hoặc báo cáo sai lệch thông tin liên quan đến sự cố bức xạ hạt nhân.
Việc chế tài hành vi che giấu sự thật hoặc báo cáo sai sự cố không chỉ là yêu cầu về quản lý mà còn là yêu cầu đạo đức, trách nhiệm công vụ, góp phần tăng tính răn đe và nâng cao minh bạch trong ngành”, đại biểu thẳng thắn nói.
PHẠM DUY
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chinh-phu-ung-ho-phat-trien-dien-hat-nhan-dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi-ar943352.html