Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức có trách nhiệm chậm trễ, che giấu trong báo cáo sự cố hạt nhân

Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức có trách nhiệm chậm trễ, che giấu trong báo cáo sự cố hạt nhân
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 15/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Góp ý vào những hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho hay, hiện vẫn thiếu nội dung liên quan đến trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ quản lý khi cố ý không báo cáo, hoặc báo cáo sai sự thật về sự cố phóng xạ hạt nhân. "Đây là lỗ hổng đáng lưu vì vai trò báo cáo kịp thời có tính quyết định trong công tác ứng phó sự cố và kiểm soát thiệt hại", ông nhấn mạnh.
ĐBQH Thạch Phước Bình.
Đại biểu kiến nghị bổ sung điều khoản mới như sau: nghiêm cấm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo nhưng cố ý không thực hiện, trì hoãn hoặc báo cáo sai lệch thông tin liên quan đến sự cố bức xạ hạt nhân. "Trong thực tiễn quốc tế, các vụ tai nạn nghiêm trọng như Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011 đều cho thấy hệ quả nặng nề khi thông tin về sự cố bị che giấu, chậm công bố hoặc sai lệch", ông dẫn chứng và cho rằng, chế tài đối với hành vi che giấu sự thật hoặc báo cáo sai sự cố không chỉ là yêu cầu về quản lý mà còn là yêu cầu đạo đức, trách nhiệm công vụ, góp phần tăng tính răn đe và nâng cao minh bạch trong ngành.
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung một nguyên tắc về trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ. Nội dung này nên thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đến cùng với việc chất thải mình tạo ra, ngay cả trong trường hợp chuyển giao cho bên thứ ba. "Thực tiễn nhiều quốc gia cho thấy, nếu không quy định trách nhiệm đến cùng sẽ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc để lại gánh nặng cho Nhà nước xử lý hậu quả về môi trường. Đặc biệt, trong các trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc cố tình thoái thác nghĩa vụ...", ông lý giải.
ĐBQH Đào Chí Nghĩa.
Dẫn nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (khoản 4 Điều 5), ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nhận thấy, quy định về việc chuẩn bị nguồn lực ứng phó với sự cố bức xạ hạt nhân chưa đề cập đến việc phối hợp liên ngành y tế, môi trường, quốc phòng..., trong khi sự cố hạt nhân xảy ra sẽ có các hậu quả liên quan đến môi trường, bệnh tật. Do đó, ông đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân, giao Chính phủ quy định chi tiết về điều này.
Để tăng cường tính minh bạch và giám sát của xã hội, tăng cường nhận thức và đồng thuận của người dân, phù hợp với định hướng phát triển bền vững và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, ĐBQH TP Cần Thơ đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc bảo đảm sự tham gia giám sát của cộng đồng tại khu vực có hoạt động năng lượng nguyên tử.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là vấn đề rất quan trọng, vì có thể tiến hành những công việc bức xạ, chế biến những chất phóng xạ, thậm chí xây lò phản ứng hạt nhân... "Cho nên, xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì mình phải bó gọn trong nội dung nào. Nếu nói chung chung vậy, thí dụ như tôi là tư nhân xây dựng lò phản ứng hạt nhân, cơ sở năng lượng nguyên tử có được không?", ông đặt vấn đề và yêu cầu quy định rõ ràng cơ sở nào là của Nhà nước, cơ sở nào của tư nhân làm được. "Tôi đồng tình xã hội hóa, tuy nhiên cần phải có một sự minh bạch rõ ràng, không thể trong lĩnh vực nào cũng xã hội hóa".
Quỳnh Vinh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nghiem-cam-ca-nhan-to-chuc-co-trach-nhiem-cham-tre-che-giau-trong-bao-cao-su-co-hat-nhan--i768428/