Chinh phục thị trường tỷ dân bằng chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao

Chinh phục thị trường tỷ dân bằng chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao
6 giờ trướcBài gốc
Cơ hội và thách thức song hành
Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò là thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam, đặc biệt trong nhóm hàng rau quả.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, trong đó thị trường này chiếm khoảng 17,6%.
Trong lĩnh vực trái cây tươi, sầu riêng là mặt hàng nổi bật với mức tăng trưởng mạnh. Đến hết tháng 6, Việt Nam đã được cấp 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Hệ thống dữ liệu liên quan đã được số hóa, tích hợp vào nền tảng truy xuất nguồn gốc quốc gia, góp phần nâng cao minh bạch và năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, phía sau những tín hiệu tích cực là không ít thách thức. Thị trường Trung Quốc đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và yêu cầu các chứng chỉ quốc tế. Chỉ một sai sót nhỏ trong việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay thiếu minh bạch trong nguồn gốc sản phẩm cũng có thể kéo theo rủi ro lớn, ảnh hưởng đến toàn ngành.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Việt Nam đã số hóa toàn bộ dữ liệu về các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, góp phần tăng cường tính minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý.
Đồng thời, Bộ cũng đưa vào vận hành các phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế như Cadimi và vàng O, giúp sản phẩm nông sản Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Hiện có 24 phòng thử nghiệm Cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía đối tác.
Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản Việt ra thế giới.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dù xuất khẩu sầu riêng tươi có thể phục hồi vào quý III và đạt đỉnh trong mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10, nhưng sự phục hồi này phụ thuộc vào việc duy trì chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm. Nếu tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn, ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro lớn.
Tuy vậy, Trung Quốc cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho ngành nông sản Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã giúp giảm thuế nhập khẩu cho hơn 8.000 mặt hàng, bao gồm trái cây tươi. Điều này mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch và đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tháo gỡ các vướng mắc về quy trình đăng ký và kiểm dịch sản phẩm, trong tháng 7/2025, Bộ Nông nghiệp đã mời đoàn chuyên gia từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) sang Việt Nam để kiểm tra thực tế chuỗi sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.
Đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản
Mặc dù xuất khẩu rau quả đang tăng trưởng mạnh, nhưng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt từ những thị trường khó tính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, việc đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và hệ thống kho lạnh đạt chuẩn là điều bắt buộc.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào dây chuyền chế biến hiện đại và hệ thống bảo quản lạnh, cho phép nâng cấp sản phẩm từ dạng tươi sống sang chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh, thanh long sấy khô, hay trái cây đóng gói cao cấp… giúp kéo dài thời gian bảo quản, giữ vững chất lượng trong suốt hành trình xuất khẩu, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường yêu cầu kỹ thuật cao.
Bên cạnh công nghệ, việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất, thu mua, sơ chế đến xuất khẩu cũng là yếu tố nền tảng. Doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân, áp dụng mô hình sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc minh bạch và tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Điều này giúp đảm bảo nguồn cung ổn định, giảm thiểu rủi ro khi phải đối mặt với các quy định khắt khe từ đối tác quốc tế.
Tuy vậy, phát triển chuỗi giá trị nông sản theo hướng hiện đại không hề dễ dàng. Bài toán lớn nhất vẫn nằm ở quy mô đầu tư, khả năng tiếp cận vốn và trình độ quản trị.
Không ít doanh nghiệp, đặc biệt là quy mô vừa và nhỏ, còn gặp khó khi tiếp cận tín dụng ưu đãi để đầu tư công nghệ hoặc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Trong khi đó, việc cập nhật quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu liên tục thay đổi cũng tạo ra áp lực không nhỏ, đòi hỏi năng lực theo dõi, thích ứng và phản ứng nhanh từ phía doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, sự đồng hành giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công nghệ, hỗ trợ tín dụng xanh, đồng thời mở rộng xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản Việt trên các thị trường chiến lược. Chỉ khi đó, ngành nông sản mới có thể giữ vững đà tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.
Linh Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chinh-phuc-thi-truong-ty-dan-bang-chuoi-gia-tri-nong-san-chat-luong-cao-d328802.html