Tiến sĩ Lương Tuấn Anh, giảng viên Đại học De Montfort (Anh). Ảnh: Hữu Tiến/PV TTXVN tại Anh
TS Lương Tuấn Anh bày tỏ ủng hộ chủ trương này, đồng thời cho rằng đây là bước cải cách cần thiết để Việt Nam tận dụng các cơ hội trong nước và quốc tế cho phát triển. Theo ông, chính sách đổi mới của Việt Nam sau 40 năm cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới trong một thế giới thay đổi nhanh chóng trước những bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng việc cải cách bộ máy chính quyền sẽ góp phần giảm chi thường xuyên vốn chiếm gần 56% ngân sách quốc gia (tỷ lệ này ở Anh chỉ là 30%) và dành thêm ngân sách cho đầu tư phát triển.
TS Lương Tuấn Anh cho biết việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp giúp trao nhiều quyền hơn cho chính quyền địa phương vốn hiểu rõ nhu cầu và năng lực của địa phương mình, từ đó có thể đưa ra những chính sách phù hợp với thực tế. Ông dẫn kinh nghiệm ở Anh khi các hội đồng địa phương được phép thu thuế hội đồng và quyết định việc phân bổ ngân sách từ nguồn thu thuế cho các vấn đề của địa phương như an ninh, giáo dục, y tế, vệ sinh, môi trường. Chính quyền địa phương được trao quyền sẽ phải phân bổ ngân sách hợp lý cho các vấn đề mà người dân quan tâm như an sinh xã hội, y tế, giáo dục… để có thể thuyết phục người dân sẵn lòng nộp thuế.
Tuy nhiên, ông Lương Tuấn Anh lưu ý rằng, dù hệ thống chính quyền 2 cấp tại Anh trao quyền tự chủ cho địa phương nhưng để đảm bảo quyền lợi của người dân, chính quyền trung ương vẫn hỗ trợ địa phương trong các trường hợp khẩn cấp hoặc khi địa phương không còn khả năng duy trì dịch vụ cho người dân.
Bàn về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, TS Lương Tuấn Anh cho biết mặc dù tốn chi phí nhưng việc thay đổi này mang lại nhiều lợi ích. TS Lương Tuấn Anh dẫn kết quả dự án nghiên cứu về sáp nhập các tỉnh ở Việt Nam mà ông vừa hoàn thành cho thấy việc sáp nhập sẽ tạo ra sự cộng hưởng.
Ông lấy ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh mới - gồm 3 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh cũ - sẽ tạo ra sự cộng hưởng lớn khi Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính, Bình Dương là trung tâm công nghiệp và Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm du lịch. Sự kết hợp này sẽ tạo ra lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài cho Thành phố Hồ Chí Minh và khi không còn biên giới hành chính sẽ giúp kết nối giao thông thuận tiện. Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ là điểm đến hấp dẫn khi các nhà đầu tư có thể làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng nhà xưởng ở Bình Dương và sống ở Vũng Tàu.
Ông cũng chỉ ra rằng việc sáp nhập các địa phương sẽ tạo động lực, đồng thời giúp các địa phương tận dụng lợi thế để phát huy vai trò, thế mạnh của từng nơi, qua đó tạo cơ hội phát triển tốt hơn cho tỉnh mới.
Robot AI hỗ trợ người dân thực hiện các thao tác giải quyết thủ tục hành chính tại phường Cửa Nam, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý hành chính tại Anh, TS Lương Tuấn Anh cho biết trước khi Chính phủ Anh thực hiện cải cách, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính phải lên trang web của các cơ quan công quyền để tải xuống các biểu mẫu, điền thông tin và gửi bưu điện hoặc đến tận nơi để nộp hồ sơ. Từ năm 2021 trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Chính phủ Anh áp dụng sáng kiến , thí điểm cho phép người dân thực hiện một số thủ tục hành chính hoàn toàn trực tuyến. Việc triển khai được mở rộng vào năm 2023 và từ năm 2024, mọi thủ tục hành chính đều được thực hiện trực tuyến, giúp đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân và chính quyền.
TS Lương Tuấn Anh cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến tạo ra sự liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành, cũng như các cơ quan cung cấp dịch vụ công, tiết kiệm thời gian cho người dân khi không phải cung cấp lại các thông tin đã được lưu trữ trong hệ thống khi thực hiện một thủ tục trước đó. Hệ thống cũng cung cấp thông tin phản hồi ngay lập tức khi người dân điền thông tin sai, đồng thời cập nhật quá trình xử lý hồ sơ, giúp người nộp đơn dễ dàng kiểm tra tiến độ thực hiện.
Bên cạnh hệ thống trực tuyến, chính quyền cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính như tổ chức bộ phận chuyên hỗ trợ người dân tại các hội đồng địa phương hay các luật sư công.
TS Lương Tuấn Anh chia sẻ rằng, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính khoa học là những bài học rút ra từ quá trình cải cách hành chính tại Anh. Minh bạch nhằm tạo sự thuận tiện, dễ dàng cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính đồng thời đảm bảo công chức thụ lý hồ sơ không lạm dụng và tư lợi từ quyền hạn được giao. Trách nhiệm giải trình tạo áp lực buộc công chức thực hiện đúng chức trách và phải giải trình trước Quốc hội, các cơ quan giám sát và người dân về việc thực hiện công vụ khi có vấn đề. Tính khoa học đảm bảo các hệ thống được xây dựng dựa trên dữ liệu khoa học và kiểm chứng thực tế thay vì dựa vào ý kiến chủ quan của các quan chức/cá nhân quản lý. TS Lương Tuấn Anh cho biết những yếu tố này tạo nên sự chuyên nghiệp của nền hành chính công mà Việt Nam có thể tham khảo.
Minh Hợp - Hữu Tiến (TTXVN)