Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương rà soát năng lực cán bộ, nếu cần đào tạo thì đề xuất gửi về Bộ Nội vụ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc cấp huyện nay được phân cấp về xã, nhưng đội ngũ công chức xã chưa được đào tạo bài bản nên gặp nhiều lúng túng, bỡ ngỡ khi thực hiện nhiệm vụ mới. Đây đang là vướng mắc của nhiều địa phương khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Cầm tay chỉ việc cho cán bộ cấp xã
Trình bày kiến nghị sau gần một tháng triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo nhiều Sở Nội vụ thừa nhận đâu đó vẫn còn sự lúng túng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khi đảm nhiệm khối lượng công việc mới.
Tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Liễu, Phó giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết có sự chênh lệch lớn về cán bộ. Khi thực hiện sáp nhập, một số cán bộ thuộc cấp xã cũ gần như "trắng" về chuyên môn vì yêu cầu công việc mới hiện nay rất khác.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ nhiều cán bộ cấp xã hiện nay còn bỡ ngỡ, chưa quen với nhiệm vụ được giao, buộc phải có các đoàn công tác xuống tận cơ sở cầm tay chỉ việc, không còn cách nào khác.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hiện nay phải kiêm nhiệm cả phần việc của chủ tịch huyện và xã trước đây, trong khi bộ máy giúp việc lại vừa thiếu người, vừa thiếu chuyên môn. Xảy ra tình trạng có nơi thừa cán bộ, nơi khác lại thiếu nghiêm trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực như địa chính, công nghệ thông tin, tài chính, đất đai."
Tình trạng cán bộ gặp khó khăn khi nhận nhiệm vụ tại cấp xã mới cũng xảy ra tại Lâm Đồng. Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng nêu ra một trường hợp điển hình là một chuyên viên từng tinh thông chuyên môn tại cấp tỉnh, nhưng khi về xã, nơi được chuyển giao về hơn 1.000 thủ tục hành chính cũng gặp nhiều khó khăn ban đầu do phải kiêm nhiệm quá nhiều đầu việc.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quốc Hữu cũng chia sẻ công tác bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương đang gặp vướng mắc về cơ cấu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu, nhất là ở các xã vùng khó khăn… Bên cạnh đó, việc số hóa gặp khó khăn do thiếu nhân lực, thiết bị, phần mềm và tài liệu chưa được chỉnh lý khoa học theo quy định.
Để khắc phục những khó khăn trong giai đoạn đầu, một số địa phương đã chủ động, linh hoạt tìm giải pháp hỗ trợ.
Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết địa phương đã phối hợp với VNPT và các trường đại học công nghệ thông tin, đội ngũ thanh niên tình nguyện để hỗ trợ vận hành hệ thống mới ở cấp xã. Sinh viên năm cuối và lực lượng tình nguyện đã góp phần hỗ trợ đáng kể về công nghệ thông tin trong giai đoạn đầu triển khai.
Còn tại Lâm Đồng, địa phương này cũng thành lập các đoàn công tác từ cấp sở đến tận xã để hướng dẫn trực tiếp. Tỉnh đã đề xuất biệt phái 408 cán bộ, công chức từ các sở ngành về xã trong thời gian 3-6 tháng. Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho rằng cầm tay chỉ việc là cần cần thiết trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi vận hành chính quyền cấp xã mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý các địa phương giữ chân cán bộ có năng lực khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mặc dù phải linh hoạt triển khai các giải pháp khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế, tổ chức bộ máy hiệu quả thì cốt lõi vẫn là con người. Do đó, các địa phương đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành khung chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ xã để mô hình chính quyền 2 cấp vận hành thuận lợi hơn.
“Có đồng chí là lãnh đạo đoàn thể nhưng khi vào bộ máy chính quyền thì mọi thứ đều mới. Chúng tôi kiến nghị Bộ sớm ban hành đề cương tập huấn về kỹ năng, tình huống và nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ cấp xã. Đây phải là ưu tiên hàng đầu,” lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đề xuất.
Rà soát, đánh giá để cơ cấu lại cán bộ cấp xã
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị là vượt bậc, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo linh hoạt với mục tiêu, khát vọng lớn vì mục tiêu của đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Nhưng vì đây là một vấn đề mới chưa có tiền lệ, nên những khó khăn vướng mắc, bất cập ban đầu trong tháng 7/2025 vừa qua là điều tất yếu, không thể cầu toàn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh quan trọng là nhận diện đúng vấn đề, tìm giải pháp phù hợp và cùng nhau tháo gỡ. Bộ Nội vụ sẽ sát cánh cùng các địa phương để đạt được mục tiêu chính quyền địa phương cấp gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn.
Đối với những vướng mắc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là công chức cấp xã) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, ngành Nội vụ cần tham mưu để tạm thời tăng cường bổ sung cán bộ, công chức viên chức chuyên ngành, nhất là chuyên ngành sâu ở cấp xã
"Phải đánh giá cán bộ công chức cấp xã công khai, dân chủ, chính xác để khẩn trương cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn với chính sách hiện hành,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý các địa phương giữ chân cán bộ có năng lực; quan tâm công tác tư tưởng, động viên, chú trọng nơi ăn chốn ở, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công chức khi di chuyển tới trung tâm hành chính mới.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) cũng đề nghị các tỉnh rà soát năng lực cán bộ , nếu cần đào tạo thì đề xuất gửi về Bộ Nội vụ. Với các vị trí yêu cầu chuyên môn sâu, các địa phương có thể ký hợp đồng theo Nghị định 173/2025/NĐ-CP quy định về việc ký kết hợp đồng để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo công việc./.
(Vietnam+)