Định hình mô hình 2 cấp
Ngày 7/5, tại phiên họp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo mô hình 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Đây là giải pháp căn cơ nhằm tinh giản bộ máy, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị, tạo nên nền hành chính phục vụ sát dân hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: VPQH
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 42 điều, giữ nguyên 4 điều, bỏ 4 điều, bổ sung mới 8 điều. So với Luật hiện hành, đây là bước chỉnh lý sâu rộng, nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan được sửa đổi trong kỳ họp này.
Chính phủ đề xuất mạnh mẽ về việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã, trong đó cấp xã sẽ đảm nhận cả phần việc của cấp huyện sau sắp xếp. Đây là sự chuyển dịch trọng tâm quản lý hành chính, đặt cấp xã ở vị trí trung tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên, cấp xã được trao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền.
Dự thảo Luật cũng xác định rõ mô hình đặc khu hành chính ở hải đảo, một điểm nhấn mới để quản lý hiệu quả các vùng lãnh thổ chiến lược, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đồng thời tạo không gian phát triển kinh tế biển.
Phân quyền mạnh mẽ, tinh gọn thực chất
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, trong đó đánh giá cao tính kịp thời, đồng bộ và phù hợp của việc sửa đổi lần này. Báo cáo nhấn mạnh, khi không còn cấp huyện, nhiệm vụ và khối lượng công việc sẽ dồn về cấp xã, đòi hỏi sự nâng cấp toàn diện về nhân lực, tổ chức và phân quyền từ cấp tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: VPQH
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp kiến nghị bổ sung vào Điều 11 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong những trường hợp cần thiết, được trực tiếp điều hành, hỗ trợ các địa phương cấp xã xử lý nhiệm vụ hành chính. Đồng thời, việc mở rộng thẩm quyền phân cấp, ủy quyền linh hoạt được xem là điều kiện tiên quyết để tránh quá tải và bảo đảm hiệu lực thực thi.
Một điểm mới gây chú ý là dự thảo đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh từ tối đa 75 lên 90 người, HĐND cấp xã từ tối đa 30 lên 35 người. Dù có ý kiến cho rằng, tăng số lượng đại biểu có thể mâu thuẫn với tinh thần tinh giản biên chế, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh địa bàn mở rộng, tăng đại biểu là cần thiết để đại diện đầy đủ cho tiếng nói của cử tri.
Về tổ chức bộ máy, HĐND cấp xã sẽ có 2 ban: Pháp chế và Kinh tế - Xã hội. UBND cấp xã có thể tổ chức các cơ quan chuyên môn hoặc bố trí công chức chuyên trách phù hợp quy mô, đặc điểm từng địa phương. Một mô hình đáng chú ý là việc thành lập Văn phòng chung cho HĐND và UBND cấp xã, thay vì lập riêng từng ban ngành, nhằm bảo đảm tính thống nhất và tinh gọn.
Hướng đến nền hành chính phục vụ
Dự án Luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, chỉ chưa đầy hai tháng sau kỳ họp thứ 9. Đây là thời gian rất ngắn để các địa phương sắp xếp, điều chỉnh tổ chức bộ máy theo mô hình mới. Vì vậy, cả Chính phủ và cơ quan thẩm tra đều nhấn mạnh yêu cầu hướng dẫn chuyển tiếp rõ ràng, tránh xáo trộn, đứt gãy trong phục vụ nhân dân.
Phiên họp sáng ngày 7/5. Ảnh: VPQH
Dự thảo đã dành Điều 54 để quy định về các điều khoản chuyển tiếp, trong đó giải quyết các vấn đề phát sinh khi chuyển đổi mô hình từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp, như xử lý công nợ, trách nhiệm pháp lý trong các quan hệ hành chính, dân sự, tố tụng... Ủy ban Pháp luật và Tư pháp kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, có tính bao quát và thống nhất cao giữa các địa phương.
Về tổ chức hành chính công tại cấp xã, một số ý kiến đề nghị học tập mô hình Trung tâm hành chính công của Hà Nội để triển khai ở các xã có diện tích lớn, dân số đông. Trung tâm hành chính công cấp xã sẽ là một cửa thực hiện mọi dịch vụ công, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời là biểu tượng của mô hình hành chính hiện đại, minh bạch, lấy dân làm gốc.
Những điểm nổi bật trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): Tổ chức chính quyền theo mô hình 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã; thành lập 13 đặc khu hành chính tại các đảo; cấp xã đảm nhận cả nhiệm vụ của cấp huyện, ban hành văn bản pháp luật trong phạm vi quản lý; tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh và xã; luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, áp dụng quy trình rút gọn.
Hoàng Nhưỡng