Dân số tăng nhanh, địa bàn mở rộng, tình hình an ninh trật tự đa dạng, bài toán gần dân không còn đơn thuần là đến tận nơi, mà đòi hỏi thay đổi tư duy, cách làm và công cụ.
Sau gần 2 tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều phường, xã đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, bộ máy nhanh chóng ổn định, lượng hồ sơ tiếp nhận tăng rõ rệt, được người dân đánh giá cao.
Thay đổi tư duy quản lý, tăng tính chủ động
Thực tế cho thấy ở những địa phương có số dân đông, diện tích rộng, địa bàn có nhiều khu công nghiệp hoặc phát triển du lịch, sẽ đối mặt nhiều thách thức hơn trong việc giữ kết nối, bảo đảm phục vụ tốt người dân một cách toàn diện và sát thực tiễn. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn nên cũng tăng tính tự chủ, chủ động.
Phường Dĩ An sau sắp xếp, quy mô dân số là 227.817 người, là phường đông dân nhất TP HCM và xếp thứ 2 cả nước sau phường Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Việc nắm bắt tâm tư, xử lý thủ tục hành chính và bảo đảm an ninh là bài toán nan giải. Bà Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường Dĩ An, khẳng định: "Không thể giữ lối làm việc thụ động như trước, từng cán bộ sẽ được giao trách nhiệm theo dõi địa bàn, tăng cường đi cơ sở, lắng nghe và phản hồi nhanh các kiến nghị của người dân".
Xã Phong Phú có dân số hơn 174.000 người, xã Vĩnh Lộc A dân số hơn 176.000 người, xã Vĩnh Lộc B dân số hơn 167.000 người… Dân cư đa dạng, tình hình an ninh phức tạp, càng minh chứng cho tầm quan trọng của cách làm như vậy, để vừa giữ bình yên địa bàn vừa kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp.
Còn tại phường Phước Thắng, diện tích khoảng 47,35 km², trong đó có đến 80% là đất nông nghiệp. Đây là địa bàn có nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt là tình trạng vi phạm trật tự đất đai, xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích kéo dài từ hàng chục năm qua.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, lãnh đạo UBND phường xác định rõ không thể quản lý theo cách cũ trên địa bàn mới. Phải chuyển từ tư duy hành chính thụ động sang tư duy quản lý chủ động, quyết liệt và bám sát thực tế. Không chỉ xử lý vi phạm phát sinh, mà còn phải xây dựng được cơ chế giám sát phòng ngừa từ cơ sở.
Các giải pháp trọng tâm được đưa ra gồm phân công cán bộ phụ trách địa bàn cụ thể, tăng cường kiểm tra thực tế, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, phát huy vai trò giám sát của khu phố, tổ dân cư. Lãnh đạo phường, cán bộ chuyên môn không chỉ làm việc tại trụ sở mà còn "xuống tận ngõ, gõ tận nhà", gặp gỡ người dân để lắng nghe tâm tư, phản ánh liên quan đến đời sống, việc làm, tình trạng nhà ở và các vướng mắc pháp lý về đất đai.
Một buổi “Cà phê sáng” trao đổi với người dân tại phường Chánh Hiệp. Ảnh: NGUYỄN THẢO
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi theo chân tổ công tác của phường đi kiểm tra thực địa tại các khu vực vi phạm trật tự đất đai, mới thấy rõ nỗ lực của chính quyền cơ sở. Nhiều khu đất nông nghiệp bị san lấp trái phép, dựng công trình tạm đã được phát hiện, yêu cầu xử lý. Một số hộ dân sử dụng đất không đúng mục đích đã được mời lên làm việc, được giải thích, tuyên truyền để tự giác tháo dỡ.
Xác định rõ muốn quản lý tốt thì phải gần dân, hiểu dân, ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch UBND phường, đã chủ động xuống cơ sở, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ đầu các vấn đề nổi lên. Lãnh đạo phường cũng nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền, vận động. "Chúng ta không thể quản lý tốt nếu người dân không hiểu luật. Muốn quản lý hiệu quả, phải đồng hành với dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật từ cộng đồng" - ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Công nghệ, chìa khóa rút ngắn khoảng cách
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy, tuổi trẻ xã Xuyên Mộc đã thành lập các mô hình như Tổ Bình dân học vụ số và Tổ Công nghệ số cộng đồng, trở thành lực lượng xung kích đồng hành với chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, lan tỏa tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình số hóa.
Với tiêu chí sát dân, gần dân để phục vụ tốt hơn, ông Mai Hữu Quyết (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thủ Đức) cho rằng kim chỉ nam mà cả lãnh đạo và cán bộ cần hướng đến luôn phải là: "Lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu hoạt động, đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi hoạt động, lắng nghe ý kiến, tiếp thu phản ánh và không ngừng cải tiến quy trình".
Ông Lê Thượng Duy Lập - Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức - cũng nhấn mạnh phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường triển khai và hướng dẫn người dân sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia và các nền tảng số để cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, tiện lợi, công khai.
"Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường, ngoài cán bộ và robot hỗ trợ còn có thêm các đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp sức để hoạt động hỗ trợ phục vụ người dân và giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh hơn" - ông Lê Thượng Duy Lập thông tin.
Đoàn viên thanh niên, chiến sĩ “Mùa hè xanh” có mặt ở nhiều Trung tâm Phục vụ hành chính công để hỗ trợ người dân. Ảnh: HUYỀN TRÂN
Cũng theo ông Lê Thượng Duy Lập, ngoài đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ xuyên suốt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, từ ngày 1 đến 31-7, phường Thủ Đức còn tập huấn và ra quân đội hình "Chuyển đổi số cộng đồng" thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tại các khu phố để giúp người dân.
Ngoài xã Xuyên Mộc, phường Thủ Đức, các phường, xã khác cũng tiến hành huy động các lực lượng thanh niên tình nguyện nhằm hỗ trợ người dân thích nghi với quy trình mới. Đến hôm nay, Đoàn phường Phú Nhuận vẫn tiếp tục tuyển thêm đoàn viên thanh niên nhằm huy động lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ công tác tiếp dân, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Các chiến sĩ ở đợt huy động này sẽ tham gia hỗ trợ người dân tại phường Phú Nhuận trong thời gian từ 8 giờ đến 16 giờ 30 phút hằng ngày, từ ngày 20 đến 31-7. Tại phường Sài Gòn, các chiến sĩ đội hình Chuyên kỹ năng số thuộc Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP HCM cũng đến hỗ trợ người dân từ ngày 14-7.
Sinh viên Lê Thị Huyền Trang (chiến sĩ tình nguyện chiến dịch "Mùa hè xanh" Trường Đại học Quốc tế ) chia sẻ: "Không chỉ giúp người dân cập nhật công nghệ mà bản thân chúng tôi cũng được tập huấn để có thể sử dụng được dịch vụ hành chính công trực tuyến mới. Tôi cảm thấy tự hào vì đóng góp một phần công sức vào công việc của địa phương, giúp người dân không phải đợi lâu".
Có thể thấy để gần dân không nằm trong công thức, mà nằm trong tư duy và hành động của chính quyền cơ sở. Việc phân chia khu vực theo cán bộ, tiếp dân lưu động, công nghệ số, đường dây nóng 168, robot hành chính, đội ngũ tình nguyện… đã giúp tạo thành một mạng lưới "tiếp cận tối đa" với người dân.
TP HCM đã công bố số đường dây nóng cho 168 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, phường từ ngày 1-7 để người dân thuận tiện liên hệ, không phải tìm kiếm mất thời gian.
Từ "chờ dân" đến "tìm dân"
Áp dụng công nghệ là chìa khóa rút ngắn khoảng cách với người dân, song nhiều cán bộ công chức phường, xã cũng nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ chỉ phát huy hiệu quả khi đi kèm với thái độ phục vụ tích cực và liên tục nâng cao năng lực tiếp dân. "Công nghệ không thay thế được trái tim, nhiệt huyết, trách nhiệm của người cán bộ. Công nghệ là phương tiện, còn gần dân hay không là do mình có thật sự lắng nghe và chủ động tìm đến dân hay không" - bà Lê Thu Huyền, Phó Chủ tịch HĐND phường Tân Định, khẳng định.
Cùng quan điểm, chị Huỳnh Hiếu Hòa (phường An Khánh) nói: "Theo tôi, ở bất kỳ địa phương nào, dù dân số đông hay địa bàn phức tạp, điều cốt lõi để không xa dân là sự thay đổi tư duy hành chính, từ chờ dân đến tìm dân. Việc tận dụng công nghệ, tổ chức lại phương thức tiếp dân, kết nối cộng đồng qua đa kênh và nhất là duy trì thái độ cầu thị, chân thành sẽ giúp chính quyền cơ sở không để khoảng cách hành chính trở thành khoảng cách lòng dân".
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7
Nhóm Phóng viên