Chính quyền địa phương hai cấp: Thấy gì qua con số sẽ còn 5000 đơn vị cấp xã sau sắp xếp?

Chính quyền địa phương hai cấp: Thấy gì qua con số sẽ còn 5000 đơn vị cấp xã sau sắp xếp?
20 giờ trướcBài gốc
Chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đà Nẵng hôm 28-3, cùng một số kết luận của Bộ Chính trị và dự án luật mà Bộ Nội vụ chuẩn bị đang cho định hướng mới nhất trong giai đoạn 2 cuộc cách mạng tinh gọn.
Đó là 52 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương sẽ sắp xếp lại theo cách 2-3 tỉnh nhập làm một để thành 23 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh mới có diện tích, dân số và kinh tế lớn hơn. Sau sáp nhập, cùng với 11 tỉnh, thành giữ nguyên, cả nước sẽ có 34 ĐVHC cấp tỉnh, trong đó có 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Về ĐVHC cấp xã, từ con số 10.035 hiện tại sẽ được sắp xếp lại để còn khoảng 5.000. Đồng thời sẽ không tổ chức chính quyền và cả hệ thống chính trị cấp huyện, để chuyển đổi triệt để từ mô hình chính quyền địa phương ba cấp đang vận hành hàng chục năm qua sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo hướng vẫn gần dân, sát dần và "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 28-3. Ảnh: TTXVN
Diễn biến mới so với phương án cũ
Trước đó, hôm 23-3, trên cơ sở Kết luận 130 cũng như các Kết luận số 126, 127 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã đưa ra tờ trình cùng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC để lấy ý kiến. Theo đó, dự kiến tổng số xã, phường sau sắp xếp sẽ chỉ còn khoảng 25-30% hiện tại, tức là còn khoảng 2.500-3.000.
“Diễn biến mới này cho thấy đang có những điều chỉnh về quy mô sáp nhập xã, để thành xã lớn chứ không phải huyện nhỏ như dự kiến trước đó” – cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Theo mô hình xã mới, Bộ Nội vụ dự kiến sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng chuyển hầu hết nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay cho cấp xã, còn lại sẽ chuyển lên cấp tỉnh. Vậy nay nhập xã theo mô hình xã lớn, theo ông Phúc, phương án sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ cần tính toán thêm.
Mong muốn chung thì xã phải là cấp tổ chức thực hiện chính sách, tập trung cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn, trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc về đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư, các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng.
Các thủ tục hành chính cơ bản nhất, gắn liền với người dân, như hộ tịch, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, cư trú, làm căn cước, xây dựng nhà ở, đăng ký xe máy… sẽ thực hiện ở cấp xã. Ngoài ra, các dịch vụ thiết yếu như an ninh, trật tự trên địa bàn, y tế, giáo dục thì chính quyền xã sẽ chịu trách nhiệm quản lý để cung ứng cho người dân. Như vậy, việc quản lý trường mầm non, tiểu học và cả trung học cơ sở đang thuộc trách nhiệm của huyện sẽ chuyển cho xã.
Theo cách ấy, ông Phúc cho rằng cấp tỉnh sẽ toàn quyền ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của chính quyền cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn tỉnh.
“Định hướng chuyển tối đa chức năng, nhiệm vụ của huyện về xã là đúng đắn. Tuy nhiên, hai xã gộp một thì quy mô xã mới không đủ lớn. Các loại việc phát sinh thuộc thẩm quyền của cấp huyện sẽ không nhiều, vậy việc bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn tương đương cấp huyện về xã để đảm đương sẽ đặt ra bài toán về sử dụng hiệu quả cán bộ” - ông Phúc nhận xét.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đánh giá việc sắp xếp lại cấp xã thành xã lớn thay vì huyện nhỏ sẽ đặt ra nhiều áp lực cho chính quyền cấp tỉnh trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: QH.
Sẽ gần dân hơn
Ông Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ, đánh giá diễn biến mới cho thấy rõ hơn tính chất “vừa chạy vừa xếp hàng” trong cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang diễn ra. Quá trình ấy, ngay cả những định hướng lớn cũng có thể được xem xét, điều chỉnh.
Theo ông, quy mô 5.000 sau sáp nhập sẽ giúp cho xã trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp tới đây gần dân hơn so với phương án 2.500-3.000 xã.
Quy mô xã như vậy sẽ có điểm tương đồng với số lượng tỉnh sau sáp nhập, cũng giảm đi khoảng một nửa. Tức là tính về tổng số xã trên một tỉnh sau sáp nhập không biến động nhiều. Tuy nhiên, vì xã vẫn nhỏ, công việc thuộc thẩm quyền của huyện phát sinh không nhiều thì nên chăng tính toán chuyển cho cấp tỉnh đảm trách, thay vì chuyển hết về xã.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì cũng cần cân nhắc tới khả năng các tỉnh sau sáp nhập diện tích sẽ rất lớn, khoảng cách từ trung tâm hành chính tỉnh tới xã có thể rất xa. Khi ấy, giải pháp có thể là các sở, ngành của tỉnh lập các tổ, đội chuyên môn phụ trách từng khu vực, phụ trách địa bàn, dạng liên xã.
Đồng thời, phải đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính với tỉnh mà không cần lên tỉnh. Như thế không chỉ cấp xã gần dân mà cấp tỉnh trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng không quá xa dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 28-3, thông tin quy mô sắp xếp ĐVHC trên cả nước dự kiến từ 63 tỉnh còn 34 và từ 10.035 xã còn khoảng 5.000.
Cấp huyện sẽ kết thúc vai trò lịch sử để chuyển từ mô hình chính quyền địa phương ba cấp thành chính quyền địa phương hai cấp.
NGHĨA NHÂN
Nguồn PLO : https://plo.vn/chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-thay-gi-qua-con-so-se-con-5000-don-vi-cap-xa-sau-sap-xep-post841982.html