Đãi ngộ xứng đáng

Đãi ngộ xứng đáng
19 giờ trướcBài gốc
Ảnh: minh họa
Chúng ta đều biết, việc bỏ cấp huyện kéo theo hàng loạt thay đổi trong phân cấp, phân quyền. Cấp xã, vốn trước đây chỉ chịu trách nhiệm trong một phạm vi tương đối nhỏ, nay sẽ trở thành tuyến đầu gánh vác nhiều nhiệm vụ vốn thuộc cấp huyện. Đó không chỉ là sự thay đổi về số lượng công việc, mà là bước nâng cấp cả về chất lượng và áp lực hành chính. Trước yêu cầu đó, đội ngũ cán bộ cấp xã sẽ không thể mãi vận hành bằng kinh nghiệm cũ, bằng những thói quen hành chính đã lạc hậu. Họ phải được trang bị kiến thức mới, kỹ năng mới, tư duy mới và điều đó không thể đạt được nếu thiếu một chính sách đãi ngộ tương xứng.
Nhiều ý kiến trong dư luận chỉ ra thực trạng năng lực cán bộ xã ở một số địa phương hiện nay còn hạn chế. Họ thiếu bằng cấp chuyên môn, yếu về tin học, ngoại ngữ, thậm chí còn lúng túng trong các thủ tục hành chính cơ bản. Đó là một cảnh báo nghiêm túc. Nếu không có bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực cơ sở, công cuộc tinh gọn bộ máy sẽ không mang lại hiệu quả thực chất, mà chỉ là một cuộc “cắt ngọn” thiếu nền móng. Tuy nhiên, nâng cao năng lực cán bộ không thể chỉ dừng ở các lớp tập huấn hình thức hay những quy định khắt khe về tiêu chuẩn bằng cấp. Sự thay đổi cần bắt đầu từ cơ chế tuyển dụng minh bạch, thi tuyển công khai, đánh giá năng lực thực tế. Một đề xuất đáng chú ý là tổ chức thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức chéo vùng miền để đảm bảo khách quan, tránh tình trạng “cục bộ địa phương”, đồng thời tạo ra một sân chơi cạnh tranh lành mạnh giữa những người thực sự có năng lực.
Song song với nâng cao chất lượng cán bộ, thì giữ chân người giỏi là bài toán không kém phần quan trọng. Nỗi lo hiện hữu là nếu công việc tăng lên gấp đôi, gấp ba, nhưng chế độ đãi ngộ vẫn giậm chân tại chỗ, hoặc môi trường làm việc thiếu động lực, thiếu công bằng, thì việc người giỏi rời bỏ bộ máy để chuyển sang khu vực tư là điều không tránh khỏi. Một bộ máy tinh gọn nhưng thiếu người tài sẽ chỉ là một “vỏ rỗng” không hơn không kém.
Đãi ngộ không chỉ là chuyện tiền lương. Đó còn là sự ghi nhận, là không gian phát triển nghề nghiệp, là cơ chế đánh giá công bằng, minh bạch. Một cán bộ làm việc hiệu quả phải được tưởng thưởng xứng đáng, trong khi người yếu kém cần được sàng lọc. Đó là nguyên tắc cốt lõi để tạo động lực cống hiến và duy trì chất lượng bộ pmáy hành chính. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều xã sẽ được sáp nhập lại, quy mô dân số tăng, địa bàn mở rộng, khối lượng công việc sẽ lớn hơn rất nhiều. Cán bộ xã lúc này không thể chỉ là “người địa phương hiểu việc làng”, mà phải là những quản trị viên cấp cơ sở đúng nghĩa. Việc họ phải nắm rõ luật, biết ứng dụng công nghệ, hiểu rõ tâm lý dân cư và có năng lực điều hành là điều bắt buộc. Nhưng để thu hút và giữ chân được những người như vậy, đãi ngộ phải “đi trước một bước”, thay vì cứ mãi “đuổi theo sau” thực tiễn công việc.
Cải cách thể chế là điều quan trọng, nhưng cải cách con người thông qua cơ chế đãi ngộ mới là điều quyết định. Nếu làm được điều đó, bộ máy hành chính sẽ không chỉ tinh gọn mà còn mạnh mẽ, hiệu quả và xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.
Thái Bình
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/dai-ngo-xung-dang-post488335.html