Chính quyền địa phương hai cấp và bài toán quản trị mơíBài cuối: Một nền hành chính vì dân - từ chính sách đến niềm tin

Chính quyền địa phương hai cấp và bài toán quản trị mơíBài cuối: Một nền hành chính vì dân - từ chính sách đến niềm tin
12 giờ trướcBài gốc
Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Trị mới Nguyễn Long Hải phát biểu tại một cuộc họp của tỉnh ngay sau hợp nhất, sáp nhập.
Bài học kinh nghiệm từ ngành công an
Từ ngày 1/3/2025, Bộ Công an đã chính thức triển khai mô hình 3 cấp: Bộ - Tỉnh - Xã, không còn cấp trung gian. Hàng trăm đơn vị công an huyện trên cả nước đã chấm dứt hoạt động độc lập, thay vào đó là sự điều hành trực tiếp từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tại tỉnh Quảng Trị, lực lượng Công an xã được ghi nhận là một trong những bộ phận hoạt động ổn định nhất trong những ngày đầu chuyển đổi. Tại xã Triệu Bình, Trung tá Nguyễn Phú Hải - Trưởng Công an xã, cho biết: “Từ giữa năm 2024, chúng tôi đã vận hành trực tiếp dưới chỉ đạo của Công an tỉnh. Tất cả tình huống đều báo cáo qua hệ thống chỉ huy số, không còn cần xin ý kiến cấp huyện. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, xử lý vụ việc nhanh gọn”.
Điều đáng chú ý là, trong khi nhiều đơn vị hành chính khác còn đang rà lại quy trình, phân định lại thẩm quyền, thì Công an xã đã vận hành thuần thục từ lâu. Tổ Công an xã Triệu Bình thậm chí còn hỗ trợ người dân thao tác các thủ tục hành chính số lên cổng tích hợp dữ liệu của tỉnh, một phần việc vốn không thuộc trách nhiệm chuyên môn của lực lượng.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Đakrông, tỉnh Quảng Trị giải đáp và giúp người dân hoàn thành hồ sơ thủ tục trong vòng 15 phút
Điều gì tạo nên sự vận hành trơn tru đó? Trước hết, đó là do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa. Từ năm 2023, Bộ Công an đã kiện toàn hệ thống Công an xã chính quy, đưa cán bộ chính quy đảm nhiệm vị trí Trưởng Công an xã trên 100% địa bàn toàn quốc. Song song với đó là quá trình huấn luyện nghiệp vụ, số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, tất cả đều chuẩn bị cho một cuộc cải cách lớn hơn.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII ngày 16/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nguyên tắc, chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thứ hai là sự chủ động về thể chế. Bộ Công an là một trong số rất ít ngành tự xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh, nhiệm vụ, năng lực cho từng vị trí tại cấp xã. Điều này giúp bộ máy không lúng túng khi không tổ chức cấp huyện nữa. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: “Chúng tôi xác định, khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, yếu tố quan trọng nhất là sự ổn định và đồng thuận trong nội bộ. Nếu người đứng đầu không chủ động, nếu cán bộ không tin tưởng nhau, thì không cách nào tổ chức vận hành trơn tru được”.
Chính vì vậy, việc ngành công an đi trước chính là vì đặc thù nhiệm vụ, vì bảo đảm an ninh trật tự là một trong những nền móng vững chắc cho mọi cải cách về thể chế. Và cũng nhờ đi trước như vậy, ngành công an đã góp phần mở đường, để những ngành còn lại trong hệ thống chính trị triển khai việc sắp xếp, tổ chức và vận hành bộ máy của mình.
“Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là cuộc cải cách chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự thay đổi cả về thể chế, nhân sự, và cách chúng ta hiểu về một Nhà nước phục vụ. Không ai có thể làm được điều đó nếu không đủ tâm, đủ tầm và đủ bền bỉ”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.
Và, thực tiễn tại tỉnh Quảng Trị hôm nay
Tại Quảng Trị, vùng địa linh nhân kiệt từng là giới tuyến chia cắt đất nước, giờ đây lại là tuyến đầu trong tiến trình thống nhất hành chính. Câu chuyện sáp nhập hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình để thành lập tỉnh Quảng Trị không chỉ là việc đổi tên, địa giới hành chính, mà còn là “bài kiểm tra” niềm tin sâu sắc giữa thể chế và người dân.
Từ Trung tâm hành chính cũ của thị xã Quảng Trị đến vùng cao Hướng Hóa, Đakrông, đâu đâu cũng có những cuộc họp, đối thoại để lắng nghe dân, giải thích cho dân và kêu gọi dân đồng hành. Nguyên Chủ tịch UBND xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (cũ) Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Người dân ban đầu lo lắng đủ điều: đổi sổ đỏ, đổi giấy khai sinh, học sinh có bị ảnh hưởng?… Nhưng nay chính quyền tổ chức chu đáo, không gây phiền hà gì, bà con yên tâm hẳn. Thậm chí còn mong đợi thời gian tới sẽ giúp đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng, đặc biệt là đường sá và y tế”.
Những ngày qua, hồ sơ hành chính nộp từ xã Mỹ Thủy (được thành lập trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các xã Hải Dương, Hải An và Hải Khê) được tiếp nhận, luân chuyển và phản hồi qua hệ thống một cửa liên thông tỉnh - xã khá trơn tru. Nhờ chuyển đổi số, quy trình không bị đứt đoạn, thậm chí còn rút ngắn thời gian xử lý.
Bà Trần Thị Huyền, cán bộ xã Mỹ Thủy, chia sẻ: “Nhiều người nghĩ chúng tôi sẽ bị dư ra, mất việc. Nhưng thực ra, công việc còn nhiều hơn vì dân số tăng, quy mô địa bàn rộng. Ai cũng xác định là không để dân chờ. Làm gì thì làm, dân phải thấy chính quyền hoạt động thông suốt”.
Đằng sau mỗi dòng chữ “UBND xã” mới là cả một quá trình thay đổi từ con dấu, biển hiệu, sơ đồ tổ chức, và quan trọng nhất là tư duy thực thi công vụ. Ở Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, khối lượng công việc những ngày này rất lớn. Các bảng tổng hợp vị trí việc làm, phân bổ biên chế, phương án luân chuyển cán bộ phải được hoàn tất chỉ trong vài tuần. Thay vì than phiền, nhiều người chọn cách chuẩn bị nghiêm túc cho hành trình mới. Không ít cán bộ trẻ tranh thủ học thêm kỹ năng số, nghiệp vụ quản lý theo mô hình cấp tỉnh - xã.
Từ 1/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức vận hành, lặng lẽ mà đầy khát vọng. Tại trụ sở các xã, các Trung tâm phục vụ hành chính công, các phòng họp điện tử… những cán bộ, công chức đang làm công việc quen thuộc, nhưng trong một cấu trúc hoàn toàn mới. Trên mỗi gương mặt, có thể thấy, vẫn hiện rõ, họ không chỉ là người chấp hành mệnh lệnh, mà là những người đang gánh vác tương lai của nền hành chính quốc gia. Từ chính sách đến niềm tin có lẽ không phải là chặng đường ngắn. Nhưng chính hành trình ấy sẽ quyết định những cải cách thực sự đi vào đời sống như thế nào? Câu trả lời đang ngày càng rõ nét, hiển hiện ngay trong từng ngày làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức hôm nay tại Quảng Trị cũng như trên khắp mọi miền của đất nước.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã tiếp thu nhiều ý kiến của người dân bày tỏ về hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp. Đâu đó vẫn còn một số vấn đề bất cập của những ngày đầu, song nhìn chung chính quyền địa phương 2 cấp đang dần đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả phục vụ người dân, tạo chuyển biến tích cực ở cơ sở.
Thực tiễn vận hành sẽ tiếp tục là thước đo, giúp các cấp chính quyền kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện bộ máy, bảo đảm bộ máy hoạt động thông suốt, hiệu quả, vì mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Hoàng Đức Thắng tin tưởng và kỳ vọng.
Võ Linh - Hà Linh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-va-bai-toan-quan-tri-moi-bai-cuoi-mot-nen-hanh-chinh-vi-dan-tu-chinh-sach-den-niem-tin-10379819.html