Toàn bộ nhân viên sẽ nghỉ có lương
Thông báo cho biết: "Tính đến 11 giờ 59 tối ngày 23.2.2025 (giờ miền Đông nước Mỹ), tất cả nhân viên trên toàn cầu do USAid tuyển dụng trực tiếp, ngoại trừ nhân viên được chỉ định chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo chủ chốt và các chương trình được chỉ định đặc biệt, sẽ được nghỉ việc có hưởng lương". Thông báo này cũng cho biết thêm, USAid sẽ “bắt đầu thực hiện cắt giảm biên chế” khoảng 2.000 vị trí của USAid tại Hoa Kỳ.
Logo của USAid trên một gói hàng cứu trợ cho Congo. Ảnh: AFP
Trước đó, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết mở đường cho Chính quyền Donald Trump cho hàng nghìn nhân viên USAid nghỉ phép. Đây được coi là một bước nhượng bộ đối với lực lượng công đoàn viên chức chính phủ, những người đang đòi kiện Chính quyền của ông Donald Trump về những gì họ gọi là nỗ lực phá bỏ chính quyền này.
Bộ trưởng Ngoại giao, Marco Rubio, đã được Donald Trump bổ nhiệm làm quyền quản trị viên USAid vào đầu tháng này.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh đóng băng hầu hết các khoản viện trợ phát triển nước ngoài trong vòng 90 ngày để đánh giá lại. Quyết định này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cắt nguồn viện trợ cho mọi chương trình: từ xóa đói giảm nghèo, chống lại các căn bệnh hiểm nghèo cho cho đến cung cấp nơi trú ẩn cho hàng triệu người phải di dời trên toàn cầu.
Các nhân viên của USAid trên toàn cầu đã nhận được thông báo về việc "nghỉ phép hành chính" từ ngày 7.2 và theo thông báo mới nhất, quyết định này được thực hiện từ ngày 24.2.
Đối với nhân viên của USAid làm việc ở nước ngoài, cơ quan này phối hợp với các cơ quan đại diện và Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị một kế hoạch, phù hợp với tất cả các yêu cầu và luật hiện hành.
Theo đó, USAid sẽ thu xếp và thanh toán chi phí trở lại Mỹ trong vòng 30 ngày và quy định việc chấm dứt các hợp đồng PSC (nhà thầu dịch vụ cá nhân) và ISC (nhà thầu dịch vụ độc lập) không được xác định là cần thiết.
Nguồn tin của NPR và CBS cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang trong quá trình rút toàn bộ nhân viên USAid ở nước ngoài về nước.
USAid có vai trò gì?
USAid được thành lập năm 1961, là cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu thế giới, có vai trò xúc tác nhằm hỗ trợ thúc đẩy các thành tựu về phát triển. Các hoạt động của USAid hướng tới mục tiêu tăng cường an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế của Mỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy hành trình tiến tới tự chủ và bền vững của bên nhận tài trợ.
USAid có hơn 10.000 nhân viên, với khoảng 2/3 phục vụ ở nước ngoài, cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia, bao gồm cứu trợ thiên tai, viện trợ y tế và y tế cũng như các chương trình lương thực khẩn cấp. Khoảng 1.400 người làm việc tại trụ sở ở thủ đô Washington D.C.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump nhằm xóa sổ cơ quan cứu trợ Mỹ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ. “Chính quyền Mỹ và Bộ trưởng Rubio đã thiển cận khi cắt giảm chuyên môn và năng lực ứng phó khủng hoảng độc đáo của Hoa Kỳ”, Marcia Wong, một trong những cựu quan chức, cho biết. “Khi dịch bệnh bùng phát, dân số phải di dời, các chuyên gia USAid là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường và được triển khai đầu tiên để giúp ổn định và cung cấp viện trợ”.
Theo danh sách miễn trừ mà Reuters có được, bao gồm cả cứu trợ nhân đạo hạn chế, chính quyền Mỹ đã chấp thuận một số trường hợp ngoại lệ không nằm trong diện đóng băng, với tổng số tiền là 5,3 tỷ USD, chủ yếu dành cho các chương trình an ninh và chống ma túy.
Quỳnh Vũ (Theo The Guardian)