“Ánh sáng” cuối con đường cho tiền điện tử?
Một trong những dấu ấn nổi bật ngay trước khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức là sự ra mắt của đồng tiền số mới mang tên $TRUMP. Đây là một loại “meme coin” gắn liền với thương hiệu cá nhân tân Tổng thống Mỹ.
Chỉ trong vòng hai ngày, giá trị của đồng tiền này đã tăng chóng mặt từ dưới 10 USD vào sáng thứ Bảy lên 74,59 USD vào ngày 20/1, trước khi giảm nhẹ xuống 46,93 USD.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh các thông tin về chính sách tiền điện tử của chính quyền Trump.
Meme coin Donald Trump nhanh chóng đạt vốn hóa hàng chục tỷ USD chỉ sau 48 giờ phát hành. Ảnh: Mint
Trang web chính thức của $TRUMP cho biết đây không phải là một công cụ đầu tư hay chứng khoán mà là cách thể hiện sự ủng hộ đối với các giá trị và lý tưởng của ông Trump.
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố này, khối lượng giao dịch của đồng tiền này đã vượt 41 tỷ USD chỉ trong vòng 24 giờ.
Cùng thời điểm đó, bà Melania Trump cũng ra mắt đồng tiền số riêng của mình mang tên $MELANIA, đạt vốn hóa thị trường hơn 1 tỷ USD ngay trong ngày đầu tiên.
Hai đồng tiền này không chỉ gây chú ý mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng giá của Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới. Bitcoin đã đạt mức giá kỷ lục mới là 109.071,86 USD vào đầu phiên giao dịch tại châu Âu, trước khi điều chỉnh xuống mức 107.600 USD.
Sự kỳ vọng rằng chính quyền Trump sẽ thúc đẩy các chính sách ủng hộ ngành công nghiệp tiền điện tử khi nhậm chức đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, dẫn đến một làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thị trường tiền điện tử.
Trong suốt thời gian qua, ngành công nghiệp tiền điện tử đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ Chính phủ Mỹ và hy vọng chính quyền Donald Trump sẽ thay đổi các chính sách này.
Niềm tin này càng trở nên mạnh mẽ khi ông Trump bổ nhiệm các cố vấn có quan điểm tích cực về tiền điện tử. Ví dụ, Scott Bessent, tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính, đã phát biểu ủng hộ tiền số, cho rằng tiền điện tử đại diện cho tự do và nền kinh tế số sẽ tồn tại lâu dài.
Ngoài ra, Howard Lutnick, CEO của Cantor Fitzgerald và người ủng hộ Bitcoin mạnh mẽ, đã được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại.
Thuế quan tác động mạnh tới sản xuất công nghệ
Trong khi các nhà đầu tư tiền điện tử nhìn nhận chính quyền Trump với sự lạc quan, các công ty công nghệ lại có những lo ngại về chính sách thuế quan mà tân Tổng thống Mỹ sẽ thực thi.
Theo dự báo của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA), các đề xuất thuế quan của ông Trump có thể làm tăng giá trung bình của các sản phẩm công nghệ như laptop (375 USD), smartphone (213 USD) và tivi (48 USD).
Chính sách thuế quan mới của ông Trump sẽ tác động mạnh tới sản xuất công nghệ toàn cầu. Ảnh: Forbes
Cụ thể, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế ít nhất 60% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, và thuế quan từ 10% đến 20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác.
Ông cũng cam kết sẽ thúc đẩy việc đưa các hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở lại Mỹ, nhằm tăng cường ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc tăng thuế có thể khiến giá cả các sản phẩm công nghệ tăng cao, vì các công ty sẽ chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng.
Ông Kenneth Kohlmann, đồng sáng lập công ty công nghệ Yarbo, cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump là một câu hỏi lớn đối với nhiều doanh nghiệp, dù công ty của ông đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các mức thuế đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau khi ông Trump đắc cử lần hai, một số nhà quản lý đã phải thay đổi kế hoạch năm 2025, bao gồm việc đặt hàng gấp hoặc tìm cách giảm chi phí.
Định hình lại mối quan hệ với Silicon Valley
Một điểm nhấn khác trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump là sự trở lại của ông với sự ủng hộ đáng kể từ các "gã khổng lồ" công nghệ tại Mỹ, đặc biệt là Meta.
Ủy ban lễ nhậm chức của ông Trump đã nhận được hơn 250 triệu USD từ các nhà tài trợ, một con số kỷ lục, vượt qua tổng số tiền gây quỹ 107 triệu USD trong lễ nhậm chức đầu tiên.
Nhân tố Musk trở thành "đầu tàu" quy tụ hàng loạt "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ và toàn cầu quay sang ủng hộ ông Trump. Ảnh: FT
Các nhà tài trợ lớn cho lễ nhậm chức lần này bao gồm các tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghệ như Elon Musk (X), Mark Zuckerberg (Meta), Shou Chew (TikTok), và Jeff Bezos (Amazon).
Các công ty công nghệ như Meta, Apple, Amazon, Google, Microsoft, OpenAI, và Uber đã đóng góp tổng cộng 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump.
Đặc biệt, Meta đã lần đầu tiên quyên góp cho lễ nhậm chức của một tổng thống, trong khi các công ty khác như Apple, Amazon, Google và Microsoft đã thực hiện các đóng góp này từ các lễ nhậm chức trước.
Ngành công nghiệp tiền điện tử cũng đã đóng góp mạnh tay cho lễ nhậm chức của ông Trump, với 5 triệu USD từ Ripple, 2 triệu USD từ Robinhood, và 1 triệu USD từ Coinbase.
Giám đốc điều hành của Ripple, Brad Garlinghouse và Giám đốc pháp lý Stuart Alderoty đã gặp ông Trump vào đầu tháng này. Bức ảnh về cuộc gặp gỡ này đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội ngay sau đó.
Thế Vinh