Chính quyền hai cấp ở Israel: Kết hợp hiệu quả giữa quản trị trung ương và địa phương

Chính quyền hai cấp ở Israel: Kết hợp hiệu quả giữa quản trị trung ương và địa phương
11 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Dịch vụ của chính quyền Thành phố Tel Aviv-Yafo (Israel).
Mô hình này bao gồm chính quyền trung ương và các cơ quan vùng hành chính; và chính quyền địa phương với 3 hình thức thành phố (municipality), hội đồng địa phương (local council) và hội đồng vùng (regional council).
Việc phân chia địa phương thành 3 loại hình chính quyền (thành phố, địa phương và vùng) giúp Israel linh hoạt áp dụng các chính sách phù hợp với đặc điểm dân cư cũng như không gian địa lý. Mỗi loại hình chính quyền đều có quyền tự quản trong những lĩnh vực cụ thể như quy hoạch đô thị, phúc lợi xã hội, quản lý rác thải và giáo dục địa phương. Thành phố lớn có quyền hạn rộng để quản lý đô thị hiện đại. Các hội đồng vùng đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng nông thôn nhỏ lẻ như kibbut (hợp tác xã) và moshav (làng nông nghiệp), nhờ đó nâng cao hiệu quả quản lý và giảm chi phí hành chính.
Hệ thống chính quyền địa phương của Israel được tổ chức dựa trên nguyên tắc bầu cử trực tiếp: cả thị trưởng và hội đồng địa phương đều do dân bầu. Điều này giúp đảm bảo tính dân chủ, minh bạch và tăng tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu trước cộng đồng. Đặc biệt, trong các hội đồng vùng nơi có nhiều cộng đồng dân cư nhỏ, mỗi cộng đồng đều có đại diện trong hội đồng, bảo đảm tiếng nói công bằng và phản ánh sát thực tế địa phương.
Mặc dù trao quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực cho các địa phương, chính phủ trung ương Israel vẫn duy trì vai trò giám sát và điều tiết thông qua Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính. Điều này giúp bảo đảm tính đồng bộ trong quy hoạch quốc gia, đồng thời hạn chế tình trạng phân mảnh trong quản lý công. Tuy nhiên, khi có các địa phương quản lý yếu kém hoặc bị thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, Bộ Nội vụ có thể can thiệp để đảm bảo kỷ luật tài chính.
Trong khi đó, mô hình hội đồng vùng của Israel là một điểm sáng đặc biệt. Thay vì mỗi cộng đồng nhỏ tự tổ chức chính quyền riêng, việc gom lại dưới một hội đồng vùng giúp giảm gánh nặng tổ chức, tận dụng hiệu quả nguồn lực và cung cấp dịch vụ công thiết yếu như giao thông, môi trường, giáo dục phổ cập với chi phí hợp lý. Đây là một minh chứng rõ ràng cho cách tổ chức “liên xã” có thể mang lại hiệu quả hành chính cao trong bối cảnh nông thôn phân tán.
Thông qua các liên minh chính quyền địa phương như Liên minh Các chính quyền địa phương (Union of Local Authorities) và Hiệp hội Các hội đồng khu vực (Association of Regional Councils), các địa phương Israel có cơ chế hợp tác hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ ngân sách trung ương và phối hợp giải quyết những vấn đề chung như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững hoặc lao động di cư.
Có thể thấy, mô hình chính quyền hai cấp tại Israel mang lại nhiều lợi thế vượt trội nhờ sự phân định rõ vai trò giữa trung ương và địa phương, kết hợp dân chủ đại diện với quản lý hiệu quả, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Đây được cho là hình mẫu có giá trị tham khảo cao cho các quốc gia đang tìm kiếm mô hình tinh gọn hóa bộ máy và nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp cơ sở.
Tin, ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-quyen-hai-cap-o-israel-ket-hop-hieu-qua-giua-quan-tri-trung-uong-va-dia-phuong-20250701132116301.htm