Trung tâm Dịch vụ của chính quyền TP. Tel Aviv-Yafo, Israel
ISRAEL
Israel từ lâu đã thiết lập được mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tương đối hiệu quả và linh hoạt, giúp bảo đảm quản trị nhà nước ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn.
Mô hình này bao gồm chính quyền trung ương và các cơ quan vùng hành chính; và chính quyền địa phương với 3 hình thức thành phố, hội đồng địa phương và hội đồng vùng.
Việc phân chia địa phương thành 3 loại hình chính quyền (thành phố, địa phương và vùng) giúp Israel linh hoạt áp dụng các chính sách phù hợp với đặc điểm dân cư cũng như không gian địa lý.
Mỗi loại hình chính quyền đều có quyền tự quản trong những lĩnh vực cụ thể như quy hoạch đô thị, phúc lợi xã hội, quản lý rác thải và giáo dục địa phương. Thành phố lớn có quyền hạn rộng để quản lý đô thị hiện đại. Các hội đồng vùng đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng nông thôn nhỏ lẻ như kibbut (hợp tác xã) và moshav (làng nông nghiệp), nhờ đó nâng cao hiệu quả quản lý và giảm chi phí hành chính.
Trong khi đó, mô hình hội đồng vùng của Israel là một điểm sáng đặc biệt. Thay vì mỗi cộng đồng nhỏ tự tổ chức chính quyền riêng, việc gom lại dưới một hội đồng vùng giúp giảm gánh nặng tổ chức, tận dụng hiệu quả nguồn lực và cung cấp dịch vụ công thiết yếu như giao thông, môi trường, giáo dục phổ cập với chi phí hợp lý. Đây là một minh chứng rõ ràng cho cách tổ chức "liên xã" có thể mang lại hiệu quả hành chính cao trong bối cảnh nông thôn phân tán.
Thông qua các liên minh chính quyền địa phương như Liên minh Các chính quyền địa phương và Hiệp hội Các hội đồng khu vực, các địa phương Israel có cơ chế hợp tác hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ ngân sách trung ương và phối hợp giải quyết những vấn đề chung như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững hoặc lao động di cư.
Trụ sở chính quyền thành phố Tokyo. Ảnh: Reuters
NHẬT BẢN
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý hành chính với 2 cấp ở địa phương, được quy định rõ trong Hiến pháp và đạo luật Tự quản địa phương.
Nhật Bản có 47 địa phương, được chia thành "to", "do", "fu", "ken", tức là đô, đạo, phủ, huyện. Đô là thủ đô Tokyo, đạo có Bắc Hải Đạo, tức là Hokkaido, có 2 phủ là phủ Kyoto và phủ Osaka, còn lại là 43 huyện. Đơn vị huyện này tương đương với cấp tỉnh của Việt Nam.
Bên dưới đô, đạo, phủ, huyện có "shi", "chuyo", "xông", tức là thị, phố, thôn. Cấp này tại Nhật Bản tương đương cấp quận, huyện của Việt Nam trước khi có chính quyền 2 cấp, còn sau khi có chính quyền 2 cấp thì tương đương với cấp xã, phường. Cả 2 cấp này đều có điểm chung là chế độ "đại diện kép", tức là có chính quyền và nghị viện địa phương. Những người đứng đầu các cơ quan này và thành viên nghị viện địa phương được lựa chọn thông qua bầu cử.
HÀN QUỐC
Theo Hiến pháp năm 1987, chính quyền địa phương Hàn Quốc gồm 2 cấp là chính quyền địa phương cấp cao và các đơn vị hành chính cơ sở (bao gồm các thành phố nhỏ hơn và huyện, gọi là chính quyền địa phương cấp thấp).
Chính quyền địa phương cấp cao bao gồm 8 đạo (do - tỉnh), 6 thành phố đô thị (gwangyeoksi) nằm ngoài phạm vi quản lý của các tỉnh, một đô thị đặc biệt (teukbyeolsi - thủ đô Seoul), một thành phố tự trị đặc biệt (teukbyeol-jachisi - Sejong) và một tỉnh tự trị đặc biệt (teukbyeoljachi-do - đảo Jeju).
Số lượng chính quyền địa phương cấp thấp là 226 (75 thành phố (si), 82 huyện (gun) và 69 quận (gu).
Hàn Quốc cũng tập trung phân quyền cho các địa phương. Năm 1999, Luật Thúc đẩy chuyển giao quyền lực Trung ương đã thiết lập một khung phân quyền minh bạch hơn. Luật này đặt ra một "logic bổ trợ", bao gồm: Ưu tiên chuyển giao các nhiệm vụ đồng thời; ưu tiên chuyển giao xuống cấp thấp nhất có thể; chuyển giao toàn bộ chính sách cho chính quyền địa phương; giới hạn vai trò của chính quyền trung ương vào các chính sách toàn quốc hoặc tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Theo luật này, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được ủy thác (hoặc bắt buộc), được quy định bởi các luật cụ thể và các nhiệm vụ tự chủ.
Người đứng đầu chính quyền địa phương và các thành viên hội đồng địa phương được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm. Người đứng đầu chính quyền địa phương có thể tái đắc cử tối đa 3 nhiệm kỳ. Không có giới hạn về số nhiệm kỳ mà một thành viên hội đồng địa phương có thể phục vụ.
Hệ thống tự quản địa phương rất quan trọng như một phương tiện để hiện thực hóa mục tiêu dân chủ cơ sở thông qua sự tham gia của cư dân địa phương, theo trang web koreanculture.org.
NA UY
Na Uy sở hữu một nền dân chủ địa phương mạnh mẽ với hệ thống chính quyền địa phương được thiết lập vững chắc. Đạo luật Alderman năm 1837 lần đầu tiên xác định quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo trang regjeringen.no.
Cho tới năm 2021, Na Uy duy trì hệ thống 2 cấp chính quyền địa phương, bao gồm 356 chính quyền đô thị và 11 chính quyền hạt. Cả cấp đô thị và hạt đều tổ chức bầu cử - nơi các đại diện dân cử chịu trách nhiệm trực tiếp trước cử tri.
Cả chính quyền đô thị và hạt đều có địa vị hành chính tương đương nhưng chịu sự giám sát từ chính quyền trung ương. Cơ quan giám sát chính của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương là Thống đốc hạt.
Chính quyền hạt chịu trách nhiệm quản lý giáo dục trung học phổ thông, phát triển vùng và quy hoạch tổng thể, quản lý đường bộ và hệ thống giao thông công cộng hạt, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo tồn di sản và quản lý môi trường ở cấp vùng.
Trong khi đó, chính quyền đô thị đảm nhiệm quản lý giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, vận hành nhà trẻ và mẫu giáo, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và dịch vụ xã hội. Chính quyền đô thị cũng có trách nhiệm quy hoạch địa phương, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, quản lý đường sá và cảng biển địa phương, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và vệ sinh công cộng, đồng thời thúc đẩy phát triển văn hóa và doanh nghiệp.
Na Uy áp dụng mô hình chính quyền địa phương tổng quát, nghĩa là tất cả các đô thị và hạt đều thực hiện các nhiệm vụ giống nhau, bất kể quy mô hay dân số.
Dù trải qua nhiều cải cách, Na Uy vẫn duy trì hệ thống 2 cấp chính quyền địa phương với chính quyền đô thị và chính quyền hạt, bảo đảm cơ chế hoạt động linh hoạt để đáp ứng nhu cầu phát triển và quản lý công hiệu quả.
ANH
Nhiều khu vực ở Anh áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng không phải tất cả, theo trang gov.uk.
Hội đồng hạt là cơ quan lớn hơn, chịu trách nhiệm về giáo dục, phúc lợi xã hội, dịch vụ trẻ em, đăng ký khai sinh - tử và y tế công cộng. Trong khi đó, các hội đồng quận hoặc thị trấn phụ trách các vấn đề như nhà ở, thu gom rác và xét duyệt hồ sơ quy hoạch.
Chính quyền quận và thị trấn cũng là đơn vị thu thuế hội đồng. Một phần số tiền này được giữ lại để vận hành các dịch vụ địa phương, phần còn lại được chuyển lên hội đồng hạt và các cơ quan khác như cảnh sát và cứu hỏa.
Như đã nói ở trên, không phải toàn bộ địa phương ở Anh vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Ở một số khu vực, chính quyền đơn nhất đảm nhiệm toàn bộ các dịch vụ trên (gọi là Unitary Authorities - một hội đồng quản lý tất cả dịch vụ công).
Tại London và một số đô thị, một số dịch vụ như phòng cháy chữa cháy, cảnh sát và giao thông công cộng do các cơ quan chung quản lý. Đơn cử, ở London, nhiệm vụ này thuộc về Chính quyền Đại London (Greater London Authority). Xứ Wales và Scotland đã loại bỏ hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế bằng chính quyền đơn nhất.
Theo Baochinhphu