Thực tế tại phường Yên Bái cho thấy, việc phân cấp, giao thêm thẩm quyền cho cấp xã đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Ghi nhận tại những ngày đầu tiên sau sáp nhập, ngay từ đầu giờ sáng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường, người dân đã đến làm thủ tục hành chính khá đông. Dù khối lượng công việc lớn, song các hồ sơ đều được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, không để người dân phải chờ đợi lâu.
“Trước đây, hồ sơ phải chuyển qua nhiều cấp nên đợi khá lâu. Giờ thì phường giải quyết luôn, chúng tôi đỡ phải đi lại nhiều lần. Cán bộ ở đây cũng rất nhiệt tình, niềm nở” - Anh Nguyễn Văn Tình, người dân phường Yên Bái.
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp tỉnh Lào Cai mới chính thức đi vào hoạt động. (Trong ảnh: HĐND xã Hạnh Phúc khóa 1, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất, xem xét quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền)
Theo lãnh đạo UBND phường Yên Bái, sau khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, địa phương được giao thêm nhiều thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính. Các bộ phận chuyên môn cũng được tăng cường nhân lực, đầu tư trang thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hiệu quả xử lý công việc được nâng lên, thời gian và chi phí cho người dân giảm đáng kể.
Không chỉ tại các phường trung tâm, mô hình chính quyền hai cấp cũng tạo chuyển biến rõ nét tại các địa bàn vùng cao, vùng sâu. Việc tinh giản cấp trung gian, cắt giảm đầu mối quản lý đã đặt ra yêu cầu mới về năng lực và tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhiều địa phương chủ động bố trí cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số vào vị trí chủ chốt, góp phần làm mới bộ máy hành chính và tăng tính gần dân, hiểu dân.
Anh Trương Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hạnh Phúc cho biết: “Trước đây, nhiều việc phải chờ cấp trên chỉ đạo hoặc xử lý, khiến thời gian kéo dài, người dân cũng sốt ruột. Từ khi xã được phân quyền rõ ràng, cán bộ phải chủ động hơn, dám chịu trách nhiệm hơn. Với chúng tôi bây giờ, mỗi hồ sơ, mỗi thắc mắc của người dân đều là việc cấp thiết, cần được giải quyết thấu đáo, minh bạch và không được phép né tránh. Nhờ đó, niềm tin của người dân với chính quyền cũng ngày một lớn dần”.
Cán bộ xã Hạnh Phục tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Cùng với việc kiện toàn bộ máy, chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thiện việc số hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức được tập huấn về công nghệ thông tin, kỹ năng tiếp dân, kỹ năng xử lý tình huống thực tế… Nhờ đó, năng lực phục vụ được nâng cao, quy trình xử lý minh bạch hơn, góp phần tăng cường niềm tin của người dân đối với chính quyền cơ sở.
Đáng chú ý, việc chuyển đổi mô hình còn tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong tư duy hành chính từ “quản lý” sang “phục vụ”. Nhiều xã vùng cao như: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lao Chải – nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã chủ động cử cán bộ biết tiếng dân tộc xuống tận thôn, bản để tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ người dân làm căn cước công dân, giấy tờ đất đai, thủ tục hộ tịch... Nhờ cách làm sát dân, gần dân, chính quyền đã và đang tiếp tục xây dựng được niềm tin vững chắc từ cơ sở.
Chị Giàng Thị Dủ, người dân xã Lao Chải chia sẻ: “Trước kia, chúng tôi ngại đi làm giấy tờ vì xa xôi, lại không hiểu rõ quy trình. Giờ có cán bộ xã đến tận nhà, nói bằng tiếng Mông, giải thích cặn kẽ, còn giúp làm miễn phí. Bà con vui lắm, thấy chính quyền gần gũi và quan tâm thật lòng”.
Không dừng lại ở lĩnh vực hành chính, việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, trật tự đô thị… Nhiều vụ việc vi phạm được xử lý kịp thời, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp như trước. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ gìn trật tự kỷ cương ở cơ sở.
Xã Đông Cuông tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình chính quyền hai cấp, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy tổ chức và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ từ tỉnh đến xã. Trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động hành chính được thực hiện đúng quy định, đúng trách nhiệm, đúng thời hạn.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu trong thời gian sớm nhất, các xã trên địa đều đủ điều kiện xử lý được 90% thủ tục hành chính của người dân ngay tại địa phương, góp phần xây dựng một chính quyền phục vụ chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Có thể khẳng định, việc đưa chính quyền về gần dân không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn tạo nên sự chuyển biến sâu sắc trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Mô hình chính quyền hai cấp đang từng bước chứng minh hiệu quả rõ rệt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Lào Cai, đồng thời mở ra hướng đi mới cho cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Trần Thị Hồng Oanh