Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự cuộc họp tại Helsinki, ngày 16 tháng 7 năm 2018. Ảnh Brendan Smialowski/AFP
Các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang xây dựng chiến lược trừng phạt dự kiến làm thay đổi thị trường dầu mỏ toàn cầu, đồng thời hướng tới một giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột Nga-Ukraine.
Kế hoạch đang được xem xét bao gồm hai hướng: Hoặc là nới lỏng các hạn chế để thúc đẩy đàm phán hòa bình, hoặc là gia tăng sức ép lên các nhà khai thác dầu của Nga nhằm buộc Moscow nhượng bộ, theo Bloomberg dẫn nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận này.
Các biện pháp trừng phạt sẽ như thế nào?
Đối với đội ngũ của ông Trump, một cách tiếp cận quyết liệt hơn với các biện pháp trừng phạt Nga có thể bao gồm thực thi nghiêm ngặt hơn các biện pháp thứ cấp, nhắm mục tiêu vào các công ty vận tải biển châu Âu và người mua dầu châu Á, bao gồm cả những đối tác lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, Bloomberg cho hay.
Một chiến lược khác đang được cân nhắc là tăng cường giám sát các tàu chở dầu Nga đi qua các điểm trung chuyển quan trọng, như vùng biển Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngược lại, một con đường ít đối đầu hơn có thể là cấp giấy phép chung hoặc tăng mức trần giá dầu từ 60 USD/thùng trở lên. Các động thái này sẽ nhằm duy trì dòng chảy dầu Nga vào thị trường toàn cầu, giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong khi vẫn giữ được lợi thế đàm phán.
Trong khi đó, các cố vấn của ông Trump đều nhất trí về việc tái khởi động chiến dịch "sức ép tối đa" đối với Tehran. Kế hoạch này bao gồm một gói trừng phạt lớn nhằm vào các nhân tố chủ chốt trong ngành dầu mỏ Iran, dự kiến triển khai sớm nhất vào tháng 2, theo các nguồn tin cho biết.
Tuyên bố của người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính
Scott Bessent, ứng viên Bộ trưởng Tài chính của ông Trump, đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các biện pháp cứng rắn hơn. Tại buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, ông Bessent khẳng định "ủng hộ 100%" việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Nga, như một phần trong chiến lược chấm dứt xung đột.
“Các quan chức của Liên bang Nga cần biết rằng nếu tôi được phê chuẩn, và nếu Tổng thống Trump yêu cầu như một phần trong chiến lược chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, tôi sẽ ủng hộ hoàn toàn việc gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là đối với các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, đến mức đủ để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán”, ông Bessent nói với các nhà lập pháp, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt của chính quyền Biden là chưa đủ mạnh.
Các cuộc thảo luận diễn ra sau động thái ngày 10/1 của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, khi ông áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với thương mại dầu mỏ của Nga.
Hành động này đã làm giá dầu Brent tăng gần 5 USD/thùng, làm dấy lên những dự báo về cách đội ngũ của ông Trump sẽ cân bằng giữa đòn bẩy kinh tế và sự ổn định thị trường.
Thị trường dầu mỏ và các rủi ro địa chính trị
Theo AFP, quyết định mà chính quyền sắp tới của ông Trump phải đối mặt có thể rất phức tạp, khi Nga, Iran và Venezuela — 3 trong số các nhà khai thác dầu hàng đầu thế giới — vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ, làm hạn chế nguồn cung và có nguy cơ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tăng cường các hạn chế đối với dầu mỏ Nga có thể làm trầm trọng thêm các động lực này, ảnh hưởng đến chi phí nhiên liệu trên toàn cầu.
Một quyết định quan trọng sẽ đến vào tháng 3, khi giấy phép chung của Bộ Tài chính Mỹ cho phép kết thúc một số giao dịch năng lượng với Nga hết hạn. Việc để giấy phép này hết hiệu lực dự kiến sẽ gia tăng áp lực lên Moscow, nhưng cũng có nguy cơ gây bất ổn thị trường dầu mỏ.
Các cố vấn của ông Trump cũng đang cân nhắc tác động của chính sách trừng phạt đối với vị thế của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu, vì việc lạm dụng các công cụ xung đột kinh tế có thể thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính thống trị bằng đồng USD.
Nh.Thạch
AFP