Chính sách cải cách ruộng đất ở Nam Phi là gì mà khiến Mỹ phản đối?

Chính sách cải cách ruộng đất ở Nam Phi là gì mà khiến Mỹ phản đối?
2 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích đạo luật này, cho rằng nó sẽ dẫn đến việc chiếm đoạt các trang trại của người da trắng, trong khi Nam Phi bác bỏ cáo buộc này là "thông tin sai lệch".
Theo Dự luật Tịch thu, trong một số trường hợp, Chính phủ Nam Phi có thể đề nghị "không bồi thường" cho tài sản khi đất đai bị tịch thu vì lợi ích công cộng.
Ông Trump cáo buộc Chính phủ Nam Phi tịch thu đất đai và "đối xử rất tệ với một số tầng lớp người dân" và tuyên bố sẽ cắt mọi nguồn tài trợ trong tương lai.
Nam Phi đã bác bỏ những cáo buộc này khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này Ronald Lamola tuyên bố "không có hành vi tước đoạt đất đai/tài sản tư nhân tùy tiện" theo luật cải cách ruộng đất mới của Nam Phi.
Vấn đề sở hữu đất đai ở Nam Phi vẫn là một di sản của chế độ phân biệt chủng tộc, khi phần lớn đất nông nghiệp vẫn thuộc về người da trắng, dù đã ba thập kỷ trôi qua từ khi chế độ này chấm dứt.
Một số nông dân Afrikaner lo ngại rằng luật mới có thể khiến họ mất đất như những gì đã xảy ra ở Zimbabwe vào đầu những năm 2000. Đảng Liên minh Dân chủ (DA) đã đệ đơn lên tòa án để hủy bỏ đạo luật, cho rằng nó vi phạm hiến pháp Nam Phi.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (phải) bắt tay với lãnh đạo đảng DA John Steenhuisen. Ảnh: GCIS
Căng thẳng ngoại giao leo thang khi Nhà Trắng tuyên bố ngừng viện trợ cho Nam Phi. Một số chuyên gia cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bị ảnh hưởng bởi Elon Musk, người từng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Nam Phi có "luật sở hữu phân biệt chủng tộc" và thậm chí ủng hộ thuyết âm mưu rằng người da trắng tại Nam Phi đang bị đàn áp.
Julius Malema, lãnh đạo đảng đối lập Economic Freedom Fighters (EFF), là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách cải cách ruộng đất. Ông trở thành tâm điểm chỉ trích khi Musk kêu gọi lệnh bắt giữ quốc tế đối với ông vì ủng hộ việc tịch thu đất không bồi thường. Ông Malema đáp trả rằng ông đang đấu tranh vì quyền lợi của người da đen Nam Phi.
Phát ngôn viên Chính phủ Nam Phi Crispin Phiri khẳng định luật mới không phải là tịch thu đất đai, mà tương tự các quy định về quyền sở hữu đất.
Ông Trump tiếp tục gây tranh cãi khi yêu cầu Chính phủ Mỹ ưu tiên tiếp nhận người Afrikaner từ Nam Phi vào chương trình tị nạn nhân đạo. Điều này dẫn đến hàng chục nghìn yêu cầu di cư đổ về Phòng Thương mại Nam Phi tại Mỹ, làm gián đoạn hệ thống của cơ quan này. Tuy nhiên, nhiều nhóm Afrikaner như Afri-Forum và Phong trào Orania vẫn khẳng định họ không muốn rời bỏ quê hương mà mong chờ sự hỗ trợ của Mỹ ngay tại Nam Phi.
Bộ Ngoại giao Nam Phi chỉ trích chính sách của ông Trump là "thiếu chính xác và không công nhận lịch sử thực dân và phân biệt chủng tộc". Nam Phi cũng cho rằng thật "trớ trêu" khi Mỹ chấp nhận người Afrikaner xin tị nạn nhưng lại từ chối nhiều người từ các khu vực gặp khủng hoảng khác trên thế giới.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố bỏ qua các cuộc đàm phán tại hội nghị G20 diễn ra tại Johannesburg vào ngày 20 - 21/2, với lý do Nam Phi có "chương trình nghị sự chống Mỹ". Động thái này đối lập với lập trường của Liên minh châu Âu, khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đã liên lạc với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa để bày tỏ sự ủng hộ trước thềm hội nghị.
Ngọc Ánh (theo DW, Jurist)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/chinh-sach-cai-cach-ruong-dat-o-nam-phi-la-gi-ma-khien-my-phan-doi-post334124.html