Rào cản từ sự phân mảnh

Rào cản từ sự phân mảnh
3 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh AI Paris diễn ra ở Paris, Pháp ngày 11/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Dù được kỳ vọng là một diễn đàn để thống nhất nguyên tắc chung về phát triển và quản lý công nghệ, nhưng hội nghị này lại bộc lộ rõ những bất đồng sâu sắc giữa một số cường quốc trong cuộc đua định hình tương lai AI.
Việc hơn 60 quốc gia, trong đó có Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Canada ký vào Tuyên bố về AI toàn diện và bền vững cho con người và hành tinh - một văn bản thể hiện các ưu tiên về "đảm bảo phát triển AI một cách công khai, bao trùm, minh bạch, có đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, tuân thủ các khuôn khổ quốc tế dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm", khuyến khích triển khai AI trong thị trường lao động và "tạo dựng AI bền vững đối với con người và hành tinh", cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với việc phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Mỹ và Anh trong danh sách hơn 60 quốc gia ký văn kiện lại bộc lộ rõ sự phân hóa trong cách tiếp cận AI giữa các cường quốc.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance - đại diện cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump tại hội nghị - không ngần ngại chỉ trích cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU). Ông tuyên bố: “Việc điều tiết quá mức có thể giết chết một ngành công nghiệp mang tính cách mạng”. Nhận định này của ông Vance nhắm vào các quy định nghiêm ngặt của EU, như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) và Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR), mà Mỹ cho là đang tạo ra gánh nặng quá lớn cho các công ty, đặc biệt là các startup trong lĩnh vực AI.
Việc Mỹ không ký văn kiện tại hội nghị không phải là điều bất ngờ, nếu xét đến lập trường hiện tại của Tổng thống Trump, người đã quyết định hủy bỏ đạo luật kiểm soát AI của chính quyền tiền nhiệm ngay ngày đầu nhậm chức. Phó Tổng thống JD Vance cũng khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ đảm bảo Mỹ tiếp tục dẫn đầu AI toàn cầu bằng cách duy trì môi trường đổi mới tự do, không bị kìm hãm bởi các quy định cứng nhắc.
Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer giải thích London từ chối ký vào tuyên bố vì văn bản này “thiếu sự rõ ràng về các vấn đề liên quan quản trị toàn cầu và an ninh quốc gia” – điều mà họ đánh giá là “yếu tố sống còn trong tương lai của AI”. Đại diện Anh cũng tuyên bố: "Chúng tôi chỉ ký vào những sáng kiến mà chúng tôi cho là phù hợp với lợi ích quốc gia".
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bác bỏ quan điểm của Mỹ, nhấn mạnh rằng quy định vẫn là yếu tố cần thiết để đảm bảo niềm tin vào AI. Ông nêu rõ: “Nếu AI không đáng tin cậy, công chúng sẽ quay lưng lại với công nghệ này”. Trên thực tế, tại hội nghị này, Paris hy vọng có được sự ủng hộ của đại đa số các quốc gia tham dự để thông qua và áp dụng đạo luật về AI của châu Âu ở mức độ toàn cầu.
Trong khi Mỹ và Anh đứng ngoài, Trung Quốc đã tận dụng hội nghị tại Paris để khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập các tiêu chuẩn AI toàn cầu, với việc thúc đẩy AI mã nguồn mở. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo an ninh AI và chia sẻ thành tựu công nghệ".
Sự đối lập trong định hướng phát triển AI càng được khoét sâu thêm với cuộc tranh cãi về hai mô hình: AI nguồn mở và AI nguồn đóng.
AI nguồn mở, như mô hình DeepSeek của Trung Quốc hay Llama của Meta (Mỹ), với đặc tính minh bạch và khả năng tùy chỉnh cao, đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phát triển và người dùng, khi cho phép họ thoải mái tiếp cận và sử dụng mà không bị ràng buộc. Những người ủng hộ AI nguồn mở cho rằng điều này sẽ thúc đẩy đổi mới và giảm sự kiểm soát của các tập đoàn lớn.
Ngược lại, các công ty AI hàng đầu như OpenAI, Google DeepMind và Anthropic theo đuổi mô hình AI nguồn đóng, với lý do bảo mật và thương mại. Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI - ông Sam Altman, thẳng thắn phản đối AI nguồn mở, cho rằng “công nghệ này có thể rơi vào tay những kẻ xấu”.
Tại hội nghị, dù không nhắc trực tiếp đến DeepSeek - một startup Trung Quốc vừa tung ra mô hình AI mạnh mẽ và miễn phí, nhưng Phó Tổng thống JD Vance đã lên tiếng cảnh báo về việc phụ thuộc vào công nghệ giá rẻ. Theo ông Vance, Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu công nghệ AI với giá thấp để giành quyền kiểm soát thị trường toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn của Mỹ tại hội nghị lần này xuất phát từ cuộc đua công nghệ với Trung Quốc, đặc biệt là sự xuất hiện của mô hình AI mới do DeepSeek phát triển.
Có thể thấy, hội nghị AI tại Paris đã không tạo ra một sự đồng thuận chung, mà thay vào đó, phản ánh rõ sự phân hóa sâu sắc giữa các cường quốc về cách tiếp cận AI. Nếu Mỹ theo đuổi mô hình phi điều tiết, tập trung vào đổi mới và lợi ích thị trường; Anh giữ lập trường thận trọng, chỉ tham gia các sáng kiến khi phù hợp lợi ích quốc gia; EU cố gắng cân bằng giữa kiểm soát và đổi mới, nhằm xây dựng một nền tảng AI an toàn và đáng tin cậy; thì Trung Quốc tích cực tham gia các thỏa thuận AI toàn cầu, song hành với thiết lập ảnh hưởng trong các quy chuẩn của thế giới. Trong khi đó, các nhà phát triển AI hàng đầu cũng đang theo đuổi những hướng đi khác nhau.
Ông Dario Amodei - CEO của Anthropic, công ty đứng sau chatbot Claude AI - đã gọi hội nghị này là “một cơ hội bị bỏ lỡ”, khi các vấn đề quan trọng như kiểm soát chuỗi cung ứng AI, rủi ro an ninh và tác động lao động không được giải quyết thỏa đáng – như mục tiêu đề ra trước thềm hội nghị.
Ông thẳng thắn nhận xét: “Tại hội nghị quốc tế tiếp theo, chúng ta không nên lặp lại sai lầm này. Các quốc gia cần kiểm soát AI, chuẩn bị cho những mối đe dọa an toàn từ công nghệ này và chủ động ứng phó với những gián đoạn xã hội và kinh tế mà AI có thể gây ra”.
Sau các hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI diễn ra tại Bletchley Park (Anh) và Seoul (Hàn Quốc), Pháp kỳ vọng Hội nghị cấp cao Hành động AI tại Paris có thể giúp thúc đẩy các ý tưởng về phát triển và sử dụng AI một cách có đạo đức, dễ tiếp cận và tiết kiệm hơn, đồng thời tìm đáp án cho bài toán cân bằng giữa phát triển và quản lý AI, từ đó cho phép "lập bản đồ" quản trị AI trên toàn cầu. Tuy nhiên, có vẻ sự phân cực địa chính trị, địa kinh tế cũng như xu hướng phân mảnh về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang gia tăng và ngày càng phức tạp đã tạo rào cản, khiến các bên không tìm được tiếng nói chung để thiết lập các quy định quốc tế thống nhất cho vấn đề phát triển và quản lý AI.
Thanh Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/rao-can-tu-su-phan-manh-20250212173455013.htm