Sự suy yếu của đồng đô la và chứng khoán Mỹ
Trong suốt nhiều năm, thị trường tài chính Phố Wall luôn tin tưởng vào “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” - niềm tin rằng nền kinh tế và các tài sản chính của Mỹ sẽ luôn vượt trội hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, xu hướng này đã bị phá vỡ trong những tuần gần đây khi những chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump và triển vọng kinh tế bất ổn đã thúc đẩy đợt bán tháo kép kéo dài bất thường và sâu rộng đối với các tài sản của Mỹ như đồng đô la và cổ phiếu.
Theo thống kê từ MarketWatch, tính đến cuối tuần trước, chỉ số đồng đô la Mỹ - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm 4,09% so với thời điểm đầu năm. Các chỉ số chứng khoán S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 3,64% và 7,91%, sau khi có lúc đã rơi vào vùng điều chỉnh.
Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, những đợt suy giảm lớn và kéo dài của cổ phiếu Phố Wall và đồng đô la bị coi là điều bất thường, bởi những giai đoạn như vậy chỉ xảy ra một vài lần trong 25 năm qua. Sự sụt giảm này cũng đánh dấu sự đảo ngược so với những năm gần đây, khi những kỳ vọng về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ vượt trội hơn các nước khác đã kích thích nhu cầu đối với tài sản tài chính của Mỹ.
“Những nghi ngờ ngày càng tăng trong những tuần gần đây về tính bền vững của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ đã châm ngòi cho một trong những đợt điều chỉnh thị trường cổ phiếu Mỹ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1970”, Goldman Sachs nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng “mặc dù về mặt lịch sử, các đợt điều chỉnh thị trường cổ phiếu không phải là hiếm, nhưng việc đồng đô la bị bán tháo cùng lúc là điều rất hiếm gặp - đặc biệt là khi thị trường cổ phiếu đang suy giảm nhanh chóng”.
Sự đảo ngược niềm tin chóng vánh
Những biến động gần đây đối với cả cổ phiếu Mỹ và đồng đô la diễn ra khi các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã làm chấn động thị trường tài chính toàn cầu và dấy lên lo ngại về quỹ đạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 19-3 đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và nâng kỳ vọng lạm phát, viện dẫn thuế quan là nguyên nhân chính cho sự điều chỉnh này.
Cho đến đầu năm nay, cổ phiếu Phố Wall vẫn thống trị thị trường toàn cầu - được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với các thị trường lớn khác. Theo dữ liệu của FactSet, chỉ số MSCI của cổ phiếu Mỹ đã tăng vọt 54% trong giai đoạn từ năm 2023-2024, trong khi chỉ số MSCI của cổ phiếu thị trường phát triển toàn cầu không bao gồm Mỹ chỉ tăng 17%.
Ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái, cổ phiếu Phố Wall đã tăng mạnh hơn nữa, trong khi đồng đô la cũng nhảy vọt. Thị trường kỳ vọng rằng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của chính quyền mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng, trong khi thuế quan cuối cùng sẽ được áp dụng một cách ôn hòa hơn so với những gì nhà lãnh đạo Mỹ đã đe dọa.
Nhưng những đặt cược đó đã nhanh chóng tan biến kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025, và tiến hành áp đặt mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc. Những cảnh báo về việc áp thuế mạnh hơn nữa, bao gồm cả biện pháp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ, khiến các ngân hàng Phố Wall phải đặt câu hỏi về việc các tài sản của Mỹ liệu có thể tiếp tục duy trì được vị thế vượt trội trong bao lâu?
“Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ đã suy yếu từ đầu năm và đang kéo đồng đô la Mỹ xuống thấp hơn”, các chiến lược gia tiền tệ tại JPMorgan lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng “chúng tôi đã trở nên hoàn toàn bi quan về đồng đô la lần đầu tiên trong bốn năm”.
Các chiến lược gia của JPMorgan nhấn mạnh “những xáo trộn liên tục trong chính sách thuế quan” và “việc hoạt động kinh tế của Mỹ suy yếu nghiêm trọng hơn và sớm hơn dự kiến” là những lý do khiến họ bi quan về đồng đô la. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Đức và Liên minh châu Âu (EU) tăng cường chi tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng trong thời gian gần đây càng khiến các tài sản của Mỹ suy yếu hơn so với các tài sản của châu Âu. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số MSCI World không bao gồm chứng khoán Mỹ đã tăng gần 9%, trong khi chỉ số MSCI của Mỹ giảm gần 4%.
Những tín hiệu trái ngược trong chính quyền Tổng thống Donald Trump
Sự hoài nghi của thị trường càng gia tăng sau những tín hiệu không thống nhất từ các nhân vật quan trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định chính quyền muốn một đồng đô la mạnh, phù hợp với chính sách gần đây của Mỹ, cả Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance đều cho rằng sức mạnh của đồng đô la đang kìm hãm ngành công nghiệp Mỹ.
Theo Economist, một vấn đề khác là Washington hiện đang hiểu sai về lợi ích và chi phí của việc có một đồng tiền yếu. Những người ủng hộ đồng đô la yếu nói rằng nó sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất trong những thập niên gần đây đã làm giảm tác động của tỷ giá hối đoái đối với doanh số bán hàng ở nước ngoài. Các nhà xuất khẩu ngày nay sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu hơn trước đây, và không còn được hưởng lợi quá lớn từ đồng đô la yếu.
Trong khi đó, những chi phí mà người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu do đồng đô la yếu sẽ là rất đáng kể. Để 13 triệu người Mỹ làm việc trong ngành sản xuất được hưởng lợi, gần 300 triệu người tiêu dùng sẽ phải trả giá cho chi phí nhập khẩu tăng cao. Quả thực, kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình Mỹ đã tăng lên, ngay cả khi dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng, được công bố hôm 12-3, thấp hơn một chút so với dự báo của thị trường.
Xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư tránh rủi ro
Các nhà quản lý tài sản toàn cầu cũng dần có quan điểm tiêu cực hơn đối với đồng đô la và các cổ phiếu Mỹ trong năm nay. Ông Scott Chan, Giám đốc đầu tư của Hệ thống Hưu trí Giáo viên tiểu bang California với trị giá 353 tỉ đô la, gần đây cho biết “số lượng sắc lệnh hành pháp đáng kinh ngạc” từ Tổng thống Donald Trump đã gây ra “nhiều bất ổn trên thị trường”. Ông lo ngại: “Những rủi ro tiềm ẩn ở đây là chưa từng có, và có thể thay đổi thế giới”.
Các chiến lược gia khác chỉ ra rằng, dòng tiền chảy vào cổ phiếu quốc tế có thể coi là bằng chứng cho thấy các nhà đầu tư đang chủ động đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ ra ngoài biên giới nước Mỹ.
“Có vẻ như những người tham gia thị trường đang bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận ở nơi khác, đa dạng hóa các khoản đầu tư bằng đồng đô la của họ sang các thị trường và loại tiền tệ khác”, Bob Michele, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết và nói thêm “các thị trường rộng lớn hơn đang nói với chúng ta rằng có vẻ như sự ngoại lệ của đồng đô la đã đạt đỉnh”.
Một cuộc khảo sát mới từ Bank of America cho thấy các nhà quản lý quỹ toàn cầu đang giảm bớt hoạt động đầu tư vào các công ty Mỹ, do sự bi quan ngày càng tăng về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Đỉnh điểm của xu hướng này được phản ánh qua việc rút vốn kỷ lục khỏi cổ phiếu Mỹ”, các nhà phân tích viết trong báo cáo hàng tháng. Theo Bank of America, các nhà đầu tư có cái nhìn ảm đạm về cổ phiếu Mỹ đang dần chuyển hướng sang tiền mặt, mua vàng và đầu tư vào các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như Eurozone.
Triển vọng các tài sản vẫn còn để ngỏ
Tuy vậy, các nhà kinh tế học và phân tích nhấn mạnh rằng tương lai kinh tế của Mỹ vẫn còn không chắc chắn và họ chưa thể khẳng định về khả năng xảy ra một đợt suy thoái kéo dài.
Ông Eric Winograd, nhà Kinh tế trưởng tại AllianceBernstein, cho biết “thị trường đang tỏ ra nghi ngại” về sự vững vàng của các tài sản Mỹ, và quả thực đã có một số dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, việc đi đến một kết luận rằng vị thế này đã hoàn toàn suy yếu vẫn còn là quá sớm, và các nhà đầu tư nên chờ đợi thêm trước khi đưa ra quyết định.
“Tôi vẫn nghĩ rằng chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến kinh tế Mỹ bị tổn thương tương đối nhẹ hơn so với các quốc gia khác”, ông Winograd nói, đồng thời lưu ý rằng những lo ngại về tăng trưởng cho đến nay vẫn được thúc đẩy bởi các cuộc khảo sát tâm lý nhiều hơn là dữ liệu thực tế. “Bây giờ chúng ta phải chờ đợi các sự kiện, chúng ta phải chờ đợi các bằng chứng, và điều đó sẽ mất thời gian”.
Nguồn: Economist, Financial Times, CBS
Ngân Diệp