Chính sách đối nội và đối ngoại của tân Tổng thống Indonesia?

Chính sách đối nội và đối ngoại của tân Tổng thống Indonesia?
6 giờ trướcBài gốc
Kỳ vọng vào chính quyền mới
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Jokowi, Indonesia đã có những bước phát triển lớn, đặc biệt là về kinh tế với tốc độ tăng trưởng nằm trong số các quốc gia nhanh nhất Đông Nam Á và là nước duy nhất trong ASEAN nằm trong nhóm G20. Tuy nhiên thời gian gần đây những áp lực kinh tế như giảm phát hay sức mua giảm đang gây lo ngại có thể dẫn đến tăng trưởng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo gia tăng. Do đó kỳ vọng vào vấn đề kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 8% dưới thời chính quyền Tổng thống Prabowo và tạo nhiều việc làm là điều mà nhiều người dân Indonesia mong đợi nhất.
Chính quyền mới lên nắm quyền khi Indonesia còn đối mặt với nhiều thách thức như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thất nghiệp, môi trường, sự phân hóa giàu nghèo… nhiều người dân Indonesia mong đợi một thế hệ lãnh đạo mới có nhiều các cải cách như hệ thống doanh thu nhà nước, cải cách pháp lý và hành chính, xóa bỏ tham nhũng…
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tuyên thệ nhậm chức
Đặc biệt, người dân cũng kỳ vọng vào các các chương trình phúc lợi xã hội cho người dân nghèo bao gồm chương trình bữa ăn miễn phí cho học sinh, xây dựng hàng triệu nhà ở cho người thu nhập thấp ở vùng nông thôn hay dịch vụ y tế cho tất cả người dân thông qua công ty bảo hiểm y tế nhà nước sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân.
Người dân Indonesia cũng kỳ vọng vào một Tổng thống với chính sách đối ngoại năng động và tích cực cùng với kinh nghiệm nhiều năm làm Bộ trưởng Quốc phòng của ông Prabowo Subianto sẽ giúp tăng cường an ninh quốc phòng quốc gia, gia tăng vị thế của Indonesia trên trường quốc tế.
Chính sách ưu tiên của Tổng thống Prabowo Subianto
Dựa trên cam kết tranh cử, những chính sách ưu tiên của ông Prabowo có thể được cụ thể như sau:
Trước hết là tăng trưởng kinh tế . Ông Prabowo đặt mục tiêu đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế lên 8%, từ mức 5% hiện nay, bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cũng như tác động kinh tế của các chương trình chủ chốt như cung cấp bữa ăn miễn phí, mở cửa cho đầu tư nước ngoài cũng như huy động vốn bằng cách bán tín dụng carbon để tài trợ cho các dự án xanh, tạo ra việc làm.
Ưu tiên thứ 2 là năng lượng và an ninh lương thực. Trọng tâm trong chiến dịch tranh cử là giúp Indonesia tự cung tự cấp trong sản xuất các mặt hàng chủ lực, cũng như cắt giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu.
Ưu tiên thứ 3 là bữa ăn miễn phí và dinh dưỡng tại trường. Chương trình cung cấp thực phẩm cho 83 triệu trẻ em và phụ nữ mang thai để giảm tình trạng trẻ em còi cọc. Mặc dù vấp phải những khó khăn về ngân sách nhưng ông Prabowo cam kết quản lý ngân sách của chính phủ một cách có trách nhiệm, bảo vệ chương trình này là cần thiết cho sự phát triển lâu dài của con người.
Ưu tiên thứ 4 là chính sách thuế, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh thu của chính phủ trên GDP lên 23% , cam kết thực hiện bằng cách sử dụng công nghệ cải tiến và không tăng thuế suất. Ưu tiên tiếp theo là tương lai của thủ đô mới, với tuyên bố của ông Prabowo sẽ tiếp tục xây dựng thủ đô dù thừa nhận dự án có thể mất nhiều năm để hoàn thành.
Và cuối cùng là chính sách đối ngoại. Ông Prabowo tuyên bố tiếp tục chính sách đối ngoại không liên kết từ lâu của Indonesia, cam kết duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc thế giới mà không chọn phe.
Thay đổi trong chính sách đối ngoại?
Những động thái ngoại giao gần đây, nhất là việc ông Prabowo tích cực thúc đẩy quan hệ với các cường quốc trong khu vực, báo hiệu sự năng động hơn trong tư duy và thực tiễn đối ngoại của chính quyền mới. Với hàng loạt chuyến thăm từ châu Âu đến châu Á đánh dấu sự thay đổi lớn so với người tiền nhiệm Jokowi, tập trung nhiều hơn cho vấn đề trong nước.
Điều này được nhiều nhà phân tích đánh giá là nỗ lực tạo dựng sự công nhận toàn cầu, thể hiện tham vọng về chính sách đối ngoại của Indonesia khi ông lên nắm quyền. Những chuyến thăm này cũng đánh dấu phong cách thực hiện chính sách đối ngoại "cá nhân" của ông Prabowo, trong đó ông ưu tiên các cuộc gặp song phương trực tiếp với các nhà lãnh đạo, khả năng quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề thông qua sự tham gia tích cực trực tiếp ở cấp độ lãnh đạo.
Chính phủ mới của Indonesia sẽ tiếp tục duy trì lập trường không liên kết với bất kỳ cường quốc. Chuyến thăm Nga hay Trung Quốc cho thấy Indonesia tiếp tục cách tiếp cận thực tế khi tìm kiếm các lợi ích từ việc hợp tác với những cường quốc toàn cầu đang cạnh tranh, có thể là tận dụng nguồn vốn của Bắc Kinh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hay nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên để nỗ lực cân bằng các mối quan hệ quốc tế với khẳng định Indonesia hợp tác với tất cả các quốc gia thân thiện vì lợi ích của Indonesia và tránh liên kết công khai với bất kỳ cường quốc nào. Ông Prabowo đã có các chuyến công du tới Trung Quốc và sau đó là Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ.
Ông Prabowo cũng đã đề cập nhiều lần đến "chính sách đối ngoại láng giềng tốt",duy trì các chính sách láng giềng tốt đẹp trong khu vực cũng như trên thế giới. Mặc dù có nhiều nhận định cho rằng việc thúc đẩy hình ảnh quốc tế rộng lớn hơn có thể khiến chính quyền mới “ xao nhãng” khu vực ASEAN. Tuy nhiên chuyến thăm hàng loạt các nước ASEAN ngay trước thềm lễ nhậm chức của ông Prabowo cũng cho thấy khu vực này vẫn nằm trong ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới trong 5 năm tới.
Có thể nói trong các chính sách đối nội và đối ngoại của tân Tổng thống sẽ có nhiều kế thừa từ người tiền nhiệm Joko Widodo, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Phạm Hà/VOV-Jakarta
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/chinh-sach-doi-noi-va-doi-ngoai-cua-tan-tong-thong-indonesia-post1129711.vov