Chế độ, chính sách đối với giáo viên trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội xem xét. Bên cạnh một số chính sách đãi ngộ, tiền lương và một số ưu đãi dành cho ngành Giáo dục, có một vấn đề khá quan trọng nhưng ít thấy đề cập: truyền thông chính sách về ngành Giáo dục.
Nhiều ưu đãi dành cho nhà giáo
Theo Điều 4 của dự thảo Luật Nhà giáo, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm quỹ tiền lương như sau:
Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo cấp học mầm non, nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập, nhà giáo người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (thứ 5 từ trái sang) viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (huyện Tân Biên)
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư do cơ sở giáo dục quyết định bảo đảm không ít hơn tiền lương, các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
Điều 45 quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo như sau: chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
Miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng.
Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc và các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.
Ngoài chính sách chung, nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong số các chính sách sau:
Nhà nước có chính sách đầu tư, xây dựng nhà công vụ có đủ điều kiện thiết yếu cho nhà giáo đến công tác tại nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định. Nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng và các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo. Khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục. Điều 46 quy định chính sách thu hút nhà giáo, gồm có: thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…
Nhìn nhận thế nào cho thỏa đáng?
Những ai theo dõi tin tức thời sự liên quan ngành Giáo dục sẽ không khó để nhận thấy chính sách đãi ngộ, thu hút, hỗ trợ giáo viên (quy định trong dự thảo luật) có một số nội dung mới nhưng cũng có nội dung có từ lâu. Dự thảo Luật Nhà giáo đưa những nội dung đó vào chỉ có tính khẳng định lại chính sách đối với giáo viên. Ví dụ, nhà giáo được xếp thang bậc lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Mặc dù nội dung này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và cả trên nghị trường Quốc hội, nhưng thực ra quy định nêu trên không hề mới. Nó đã có mặt trong nhiều văn bản pháp lý trước đây. Thậm chí, có những quy định ưu đãi dành cho nhà giáo- như phụ cấp ưu đãi chẳng hạn, có từ hơn 20 năm trước, đến nay vẫn áp dụng.
Trên thực tế, nếu chỉ tính riêng lương, thu nhập của nhà giáo không hề thấp, thậm chí cao hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Ngoài lương cơ bản, tùy theo dạy học ở cấp, bậc học nào, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi từ 30% - 50%. Cũng tính theo lương, hệ số, lương nhà giáo chỉ thua lương của lực lượng vũ trang, vì hệ số lương khởi điểm của lực lượng vũ trang cao hơn nhiều lần so với các ngành dân sự. Ngoài lương, các chính sách mới dành cho nhà giáo (trong dự thảo) thực ra không lớn và không phải nơi nào cũng thực hiện được. Nói thẳng ra, những quy định ấy gần như chỉ có tính chất động viên tinh thần đối với giáo viên.
Vai trò của truyền thông chính sách rất quan trọng
Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải rút ra khỏi dự thảo luật một số nội dung, trong đó có hai điểm quan trọng: miễn học phí cho con nhà giáo và nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Quyết định rút hai nội dung trên ra khỏi dự thảo luật không có gì bất ngờ, vì những quy định ấy không hợp lý, không cần thiết.
Trước hết, hoàn toàn không có một cơ sở thực tế nào và cũng không có luận cứ nào đủ mạnh để miễn học phí cho con giáo viên. Vì nếu chỉ miễn học phí cho con giáo viên thì liệu có bảo đảm công bằng đối với con của người làm việc trong các ngành nghề khác không? Đối với quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề, trong một bài viết đăng trên báo Tây Ninh hồi tháng 1.2024 có đề cập đến, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh đều “nhất trí cao” rằng, không cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên.
“Chúng tôi chưa được lấy ý kiến về việc này, nhưng qua thông tin trên báo chí, tôi nghĩ quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề là không cần thiết. Đơn giản là vì loại chứng chỉ đó… chẳng để sử dụng vào mục đích gì cả, tức nó không có ý nghĩa”- hiệu trưởng một trường THPT ở Tây Ninh phát biểu hồi tháng 1.2024.
Những người được hỏi cũng thống nhất rằng, bằng tốt nghiệp đại học sư phạm là “giấy thông hành” có giá trị cao nhất đối với một sinh viên sư phạm. Chỉ riêng tấm bằng này, họ đã đủ điều kiện đứng lớp. Đó còn chưa kể, trong nhiều năm qua, giáo viên từ mầm non cho đến bậc phổ thông đã học và nhận rất nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận khác nhau.
Việc ban hành chính sách để lấy ý kiến (cả trong và ngoài ngành) là hoàn toàn bình thường. Nhưng, những ồn ào (không đáng có) về dự thảo Luật Nhà giáo như vừa qua có một nguyên nhân rất quan trọng: truyền thông chính sách còn hạn chế.
Cần phân biệt rõ, tuyên truyền chính sách và truyền thông chính sách là hai việc khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, truyền thông chính sách là hoạt động có mục đích, có kế hoạch, có nhiều lực lượng tham gia và bao trùm toàn bộ các khâu của chu trình chính sách.
Do vậy, truyền thông chính sách không thể là hoạt động đơn lẻ của cơ quan báo chí mà cần có một “nhạc trưởng” điều phối chung. Vị nhạc trưởng đó không ai khác chính là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Trong trường hợp này, cụ thể hơn, là Bộ GD&ĐT- cơ quan soạn thảo dự án Luật Nhà giáo. Khi thực hiện tốt truyền thông chính sách, những “bình luận” nặng nề về một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ không có cơ hội xuất hiện.
Việt Đông