Thầy giáo mầm non đặc biệt

Thầy giáo mầm non đặc biệt
4 giờ trướcBài gốc
Công việc của giáo viên mầm non là một trong những công việc đặc thù, không chỉ dạy dỗ mà còn phải chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Việc tưởng chừng chỉ phù hợp với giáo viên nữ nhưng tại trường Mầm non Tràng Đà (TP Tuyên Quang) có một người thầy ngày ngày tâm huyết ươm trồng những “mầm non”. Đó là thầy giáo Phạm Duy Thủy, giáo viên lớp 4-5 tuổi.
Thầy giáo Phạm Duy Thủy sinh năm 1982. Quan sát thầy lên lớp, tận mắt nhìn cách thầy dạy trẻ tập tô, múa hát hay đôi tay thoăn thoắt tết tóc cho học trò nhỏ không chút gượng gạo mới thấy hết được tình yêu thương mà thầy dành cho các em. Thầy Thủy bảo: "Không biết thì học, vì học trò không gì là không thể. Ước mơ từ nhỏ của tôi là được làm giáo viên mầm non. Khi học xong cấp 3, bạn bè đồng trang lứa đứa chọn học kỹ sư, đứa thì học xây dựng còn tôi quyết định làm hồ sơ đăng ký vào Khoa giáo dục Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang (nay là trường Đại học Tân Trào). Đã có nhiều người cười và nói với tôi rằng, con trai lại chọn nghề con gái. Bởi vốn dĩ trước giờ mọi người vẫn cho rằng giáo viên mầm non chủ yếu là giáo viên nữ”.
Vượt qua định kiến, quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, năm 2003, sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ khi ấy được nhận công tác tại trường Mầm non Hoa Phượng (TP Tuyên Quang). Thầy Thủy tâm sự:
Trò chuyện với thầy, người đối diện sẽ dễ dàng nhận thấy ở thầy sự lạc quan, nguồn năng lượng tích cực. Tính cách này cũng một phần giúp thầy nhận được sự yêu mến từ học sinh và phụ huynh.
Thế nhưng, trước đây thầy Thủy từng đối diện với những định kiến và dị nghị vì đã theo một nghề được cho là không hợp với đàn ông. Thậm chí có phụ huynh từng nhất quyết xin cho con chuyển lớp khi thấy giáo viên là thầy giáo. Họ lo thầy chăm các bé không khéo bằng cô, thiếu sự kiên nhẫn, dịu dàng, rồi đến chuyện vệ sinh, ăn, ngủ... Có quá nhiều thứ cần bàn tay cô giáo mà một thầy giáo e rằng khó thay thế được.
Cũng như các cô giáo, một ngày của thầy Thủy bắt đầu bằng việc đón trẻ lúc sáng sớm, cho các con ăn, tổ chức hoạt động dạy và học, cho các con ngủ và trả trẻ cho gia đình vào buổi chiều. Sau khi trẻ về hết, thầy cùng các cô lại quét dọn lớp học, lau dọn đồ chơi, đồ dùng học tập sạch sẽ mới kết thúc một ngày làm việc.
Tâm huyết và đầy trách nhiệm, đến nay thầy Thủy đã có hơn 21 năm công tác trong ngành giáo dục. Thầy luôn tìm tòi những phương pháp, cách tiếp cận mới để tạo sự hứng thú và phát huy được khả năng sáng tạo của trẻ. Như tiết học Khám phá khoa học vui hay qua hoạt động cho học sinh làm thí nghiệm Vũ điệu của sữa, thầy Thủy đã tham khảo trên internet, chuẩn bị giáo cụ học tập. Thầy đã lấy trẻ làm trung tâm, đưa ra các nguyên vật liệu sau đó thực hành, biến hóa để màu sắc được hòa quyện vào nhau và di chuyển trên mặt nước một cách sinh động.
Các tiết học kể chuyện luôn được thầy sáng tạo qua việc mang đến cho các em 1 rạp chiếu phim thu nhỏ hoặc thông qua các phần mềm giáo án điện tử với hình ảnh sinh động. Qua đó giúp trẻ dễ hình dung hơn, tạo sự thích thú và khơi gợi khả năng tư duy của trẻ.
Niềm vui, niềm hạnh phúc của giáo viên mầm non thật giản đơn. Đó là những cái ôm ấm áp, là câu nói yêu thương của trẻ, là sự tin tưởng từ phụ huynh. Chị Phạm Thị Thùy, phụ huynh học sinh cho biết: “Thầy Thủy là thầy giáo rất ân cần, gần gũi với học sinh và phụ huynh. Tôi thực sự bất ngờ về sự nhẹ nhàng, khéo léo, yêu quý trẻ, quan tâm đến các cháu như con mình của thầy. Thầy dạy con tôi kiến thức, những điều hay, lẽ phải, chăm nom các cháu như một người cha nên chúng tôi rất yên tâm”.
Đến với nghề giáo viên mầm non là một cái duyên nhưng đi xa được với nghề lại là hành trình dài cần sự quyết tâm, tình yêu nghề, yêu trẻ. Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ chính là động lực để người thầy đặc biệt này tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục, để ngày ngày ươm những mầm xanh cho quê hương.
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/thay-giao-mam-non-dac-biet-201394.html