Chính sách khó đoán của ông Trump và bài toán xuất khẩu Việt Nam

Chính sách khó đoán của ông Trump và bài toán xuất khẩu Việt Nam
7 giờ trướcBài gốc
Để làm rõ vấn đề này, Vnbusiness đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, để lắng nghe những phân tích về tác động của chính sách Trump 2.0. Ông cho rằng, chính sách của ông Trump ngay từ nhiệm kỳ đầu đã rất khó đoán, và đến thời kỳ Trump 2.0, điều này càng trở nên khó lường hơn. Ông có xu hướng hành động rất quyết liệt, tuyên bố một chính sách là thực thi ngay mà không cần tham khảo ý kiến nhiều bên.
Điểm đặc biệt trong cách Trump điều hành chính sách thương mại là sự thay đổi liên tục. Ban đầu, ông có thể tuyên bố và ký sắc lệnh áp thuế 25% lên hàng hóa của Canada và Mexico, nhưng sau đó lại tạm hoãn, chỉ áp thuế Trung Quốc. Điều này cho thấy ông sử dụng chính sách thương mại không chỉ với mục đích kinh tế mà còn như một công cụ đàm phán.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM.
"Trump thường đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhằm gây sức ép lên đối tác, tạo ra sự hoang mang để đạt được lợi thế trong đàm phán. Có những chiêu thức là “đòn gió”, nhưng cũng có những chính sách được thực thi thật sự. Điều này khiến các nước, trong đó có Việt Nam, rất khó dự đoán bước đi tiếp theo của chính quyền Mỹ", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nói .
Xuất khẩu Việt Nam: Nguy cơ hay cơ hội?
Theo ông, chính sách thương mại khó đoán của Trump có thể ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu của Việt Nam?
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị áp thuế cao, kim ngạch xuất khẩu chắc chắn sẽ chịu tác động nặng nề. Đặc biệt, các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử hay đồ gỗ có thể đối diện với những hàng rào thuế quan cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam nằm ở nhóm còn lại (nhóm quốc gia không bị áp thuế cao) thì đó sẽ là lợi thế của chúng ta. Nếu Việt Nam duy trì được quan hệ tốt với Mỹ, linh hoạt trong chiến lược ngoại giao và điều chỉnh cán cân thương mại hợp lý thì sẽ có một cơ hội lớn để bứt phá trong kỷ nguyên mới này.
Cơ hội đó là gì, thưa ông?
Xuất khẩu đóng một vai trò rất quan trọng trong thời điểm hiện tại. Khi xuất khẩu tăng chúng ta sẽ thu về nhiều ngoại tệ, tạo thêm nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ vào để tung VND ra. Bởi vì tung VND ra sẽ hỗ trợ cho việc tăng trưởng kinh tế trong chính sách nới lỏng tiền tệ. Nó cũng giảm áp lực chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở thời điểm hiện tại, làm giảm căng thẳng của tỷ giá.
Xuất khẩu sẽ là một mũi nhọn quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu là vừa ổn định tỷ giá, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để giữ vững thị trường xuất khẩu vào Mỹ trong bối cảnh này?
Theo tôi, ngoại giao kinh tế là yếu tố then chốt. Nếu chúng ta duy trì kênh liên lạc, tích cực đối thoại trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump thì khả năng bị đánh thuế cũng không quá cao.
Việt Nam cần cố gắng trong thời gian sớm nhất giảm thặng dư thương mại xuống, bằng cách tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Ví dụ, việc Việt Nam mua thêm máy bay Boeing và các mặt hàng khác cũng là cách để giảm nhanh nhất thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, và cũng thể hiện rằng Việt Nam rất sẵn sàng cải thiện sự chênh lệch này.
Tổng thống Trump chỉ cần nhìn thấy động thái đó của Việt Nam thì ông sẽ hòa hoãn hơn trong vấn đề áp thuế với chúng ta. Tóm lại theo tôi, chìa khóa chính là ngoại giao. Nếu Việt Nam ngoại giao tốt, nằm ở "phần còn lại" thì có thể biến nguy thành cơ.
Còn trong trường hợp Việt Nam thuộc trong nhóm bị đánh thuế cao, thưa ông?
Tất nhiên chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, để không bị động. Không cần chờ đến trường hợp đó xảy ra, song song với kênh đối thoại, ngoại giao với Mỹ để hạn chế nguy cơ xuống mức thấp nhất, chúng ta cần phải đa dạng hóa thị trường.
Tuy nhiên, đa dạng hóa thị trường không thể một sớm một chiều là được. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, “màu mỡ nhất” của Việt Nam. Các thị trường khác như châu Âu đã gần bão hòa, muốn đẩy mạnh hơn sẽ rất khó. Trong khi những thị trường mới như Trung Đông hay châu Phi cần nhiều thời gian để thâm nhập.
Đa dạng hóa thị trường là một hướng đi đúng, nhưng thực tế không dễ dàng, không thể xem là giải pháp thay thế ngay lập tức. Cần thời gian để doanh nghiệp có thể dịch chuyển sang các thị trường khác nhằm đa dạng hóa, hạn chế rủi ro trong danh mục xuất khẩu của mình.
Bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường mới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.
Thị trường nội địa: Hướng đi cần được chú trọng
Ngoài xuất khẩu, ông có đề xuất nào khác để Việt Nam ứng phó với các biến động thương mại?
Một trong những hướng đi mà Việt Nam cần chú trọng hơn là khai thác thị trường nội địa. Hiện nay tôi thấy một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã bắt đầu tập trung vào thị trường trong nước rồi.
Với dân số hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, sức mua trong nước rất lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường cũng nên tiếp cận và quay trở lại “sân nhà”. Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết cách khai thác tốt, thị trường nội địa có thể trở thành một trụ cột quan trọng giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khối FDI. Leo thang chiến tranh thương mại phần nào tác động tới dòng vốn dịch chuyển vào các thị trường mới nổi như Việt Nam nhưng chủ yếu ở dạng “tạm nhập tái xuất” để né đòn thuế.
Do đó, sắp tới Việt Nam cần có giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cả hàng trong nước và xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ mà sang các thị trường khác cũng vậy. Phải có những quy định về tỷ lệ nội địa hóa. Hiện nay những quốc gia đang phát triển như Indonesia đã có các chính sách để bảo hộ, thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp trong nước, thay vì doanh nghiệp FDI. Ở Indonesia, hàng hóa phải có tỷ lệ nội địa hóa từ 30 - 40% mới được tiêu thụ trên thị trường. Đơn cử, cuối năm ngoái sản phẩm iPhone 16 của Apple bị cấm bán ở Indonesia với lý do tỷ lệ nội địa hóa dưới 40%.
Việc thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam là điều không cần bàn cãi nhưng cần đặt câu hỏi chúng ta sẽ tận dụng được cái gì của họ, từ chuyển giao công nghệ cho tới tạo ra nhiều việc làm hơn cho doanh nghiệp trong nước. Từ đó mới tạo ra được các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Đất nước lớn mạnh sẽ cần có những doanh nghiệp lớn mạnh. Hiện nay khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 9 - 10% GDP. Rõ ràng tỷ trọng đó quá thấp, phải kéo tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân lên, bên cạnh khu vực FDI và khu vực nhà nước.
Vậy cụ thể phải có những giải pháp gì, thưa ông?
Hiện nay chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI, nhưng dường như chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp SME trong nước phát triển, như hỗ trợ về thuế, cơ sở, đất đai, tiền thuê đất… Đó là lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam 98% là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh cực kỳ yếu. Chúng ta không có môi trường và hệ sinh thái để ươm mầm lên các doanh nghiệp lớn và vĩ đại.
Tiếp theo là vấn đề về thể chế. Hiện nay chúng ta đã nhận ra các điểm nghẽn và đang bàn cải cách thể chế. Hi vọng trong thời gian tới doanh nghiệp họ sẽ có nhiều “đất” hơn để làm, không bị cấm cái này cái khác, không bị quá nhiều chi phí phi chính thức, giúp cho các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xuất khẩu và đầu tư công là hai trụ cột chính của 2025
Chính phủ vừa trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên. Ông nhận định thế nào về các động lực tăng trưởng của năm nay?
Hiện tại, động lực tiêu dùng nội địa vẫn yếu do tâm lý thắt lưng buộc bụng, doanh nghiệp và người dân chưa thực sự mạnh tay chi tiêu. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi chúng ta đã thấy sức mua khá yếu. Việt Nam cũng đang cắt giảm nhân sự trong khu vực công, tạo ra tâm lý “phòng thủ”, người dân hạn chế chi tiêu, giữ tiền để trang trải những biến cố có thể xảy ra. Do đó, khó thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong ngắn hạn.
Năm nay chúng ta nên tập trung vào đẩy mạnh chính sách tài khóa, đẩy mạnh vào đầu tư công. Bên cạnh đó xuất khẩu vẫn sẽ là một trong những động lực chính. Hi vọng xuất khẩu của chúng ta thuận lợi, nếu chính sách của ông Trump mang lại lợi thế cho Việt Nam.
Hai trụ cột đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế, tạo ra bứt phá trong năm bản lề. Năm nay chúng ta phải tăng trưởng 8% để tạo đà đạt tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Đó là nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống. Để làm được điều đó, xuất khẩu phải duy trì ở mức cao và đầu tư công phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đỗ Kiều thực hiện
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//goc-nhin-chuyen-gia/chinh-sach-kho-doan-cua-ong-trump-va-bai-toan-xuat-khau-viet-nam-1104947.html