Lạm phát cao hơn dự kiến như Bộ Lao động Mỹ báo cáo ngày 12/2 có thể một phần là do các doanh nghiệp tăng giá vào đầu năm, thể hiện rõ qua mức tăng kỷ lục về chi phí thuốc theo toa và mức tăng bảo hiểm xe cơ giới.
Một số nhà kinh tế đã chỉ trích việc Tổng thống Donald Trump tăng thuế quan với hàng nhập khẩu và cho rằng đây là một phần nguyên nhân gây ra lạm phát.
Ảnh minh họa: Reuters
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ làm giảm giá tiêu dùng cho người dân vốn đã mệt mỏi vì lạm phát.
Trên thực tế, lạm phát cao có thể tác động tiêu cực đến chương trình nghị sự của chính quyền ông Trump, trong đó cắt giảm thuế có thể kích thích quá mức một nền kinh tế ổn định và việc trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy phép được cho là sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và làm tăng chi phí tiền lương cho các doanh nghiệp.
"Sự điều tiết mà chúng ta thấy trong lạm phát tiêu dùng vào mùa hè năm ngoái hiện không còn nữa", ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets tại Mỹ cho biết. Theo ông: "Vấn đề đối với Fed là đây không chỉ là sự kiện kéo dài một tháng mà có vẻ như là sự gia tăng áp lực lạm phát thực sự trong nhiều tháng".
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,5% vào tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023, sau khi tăng 0,4% vào tháng 12/2024, Cục Thống kê Lao động (BLS) của Bộ Lao động Mỹ thông báo
Chỗ lưu trú, bao gồm khách sạn và nhà nghỉ, tăng 0,4% và chiếm gần 30% mức tăng CPI. Giá thực phẩm tăng 0,4% sau khi tăng 0,3% vào tháng 12. Giá tại các cửa hàng tạp hóa tăng vọt 0,5%, trong đó giá trứng tăng vọt 15,2%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2015. Con số này chiếm khoảng 2/3 mức tăng giá tại siêu thị.
Một đợt bùng phát cúm gia cầm đã gây ra tình trạng thiếu hụt trứng, đẩy giá lên cao. Giá trứng, vốn đã thúc đẩy phần lớn sự bất mãn của cử tri đối với lạm phát, đã tăng 53 % so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 1.
Giá thịt, gia cầm và cá cũng như đồ uống không cồn và các sản phẩm từ sữa cũng tăng. Giá trái cây và rau quả giảm mạnh nhất trong gần hai năm. Giá xăng tăng 1,8% trong khi giá khí tự nhiên tăng thêm 1,8%, nhưng giá điện không đổi.
Trong 12 tháng tính đến tháng 1, CPI tăng 3%. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2024 và sau mức tăng 2,9% vào tháng 12.
Các doanh nghiệp cũng có thể đã chủ động tăng giá trước để dự đoán mức thuế quan cao hơn và rộng hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đầu tháng này, ông Trump đã đình chỉ mức thuế quan 25% được công bố rộng rãi đối với hàng hóa từ Canada và Mexico cho đến tháng 3. Tuy nhiên, mức thuế quan bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc đã có hiệu lực trong tháng này. Các nhà kinh tế dự đoán, những mức thuế quan đó sau khi thực thi sẽ thúc đẩy lạm phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell xuất hiện trước các nghị sĩ hôm 10 và 12/2 cho biết, báo cáo CPI nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương "vẫn chưa đạt được mục tiêu" đưa lạm phát trở lại mức 2% như mục tiêu.
Cổ phiếu trên Phố Wall giảm mạnh. Đồng USD giảm so với giỏ tiền tệ. Lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Reuters