Từ tháng 4, hàng loạt chính sách quan trọng bắt đầu có hiệu lực, tác động tới các lĩnh vực then chốt như bất động sản, đầu tư công, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Những thay đổi này phản ánh định hướng tăng cường đầu tư công, cải cách thể chế, khuyến khích phát triển kinh tế bền vững và minh bạch hơn trong quản lý.
Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại trên cả đất nông nghiệp
Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ hôm nay, thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất, bao gồm cả đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Theo quy định mới, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng các loại đất không phải đất ở, kể cả đất thương mại dịch vụ và đất khác trong cùng một thửa, nhằm phát triển dự án nhà ở thương mại.
Đây là bước thay đổi đáng kể so với Luật Nhà ở 2014, vốn chỉ cho phép triển khai dự án nếu nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất ở.
Chính sách này sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian 5 năm.
Trong quá trình triển khai, nếu khu đất có phần diện tích do cơ quan, tổ chức Nhà nước quản lý mà không thể tách thành một dự án riêng, phần đất đó có thể được gộp vào diện tích đất chung. Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi và giao lại cho nhà đầu tư, không thông qua đấu giá hoặc đấu thầu.
Dự án được xét thí điểm cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị, đồng thời nằm trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được địa phương phê duyệt.
Ngoài ra, tổng diện tích đất ở trong các dự án thí điểm (bao gồm đất ở hiện hữu và đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở) không vượt quá 30% của phần diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã được phê duyệt
Chỉ các tổ chức kinh doanh bất động sản đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư và kinh doanh bất động sản mới được phép tham gia. Việc cấp phép sẽ do UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định, dựa trên năng lực và điều kiện pháp lý của doanh nghiệp.
Chính sách thí điểm này được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa phát triển nhà ở, mở rộng khả năng tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản vận hành linh hoạt hơn trong giai đoạn tới.
Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại trên cả đất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ tứ ưu tiên dùng vốn đầu tư công trong 5 năm tới
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030, chính thức có hiệu lực từ hôm nay.
Theo nghị quyết, trong 5 năm tới, nguồn vốn đầu tư công sẽ được tập trung ưu tiên cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình trọng điểm cấp quốc gia.
Các dự án hạ tầng giao thông như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và các công trình có tính liên kết vùng sẽ được chú trọng. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế, giảm chi phí logistics và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cũng sẽ hướng đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng hạt nhân, vi mạch bán dẫn. Các chương trình quốc phòng, an ninh, tư pháp, giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao tiếp tục nằm trong nhóm ưu tiên.
Thứ tự phân bổ vốn được xác định rõ ràng, ưu tiên trước hết cho các dự án đầu tư công khẩn cấp. Tiếp đến là chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, hoàn trả vốn ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Sau đó mới đến các dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi quốc tế, cùng các dự án PPP đối tác công tư theo quy định.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh nguyên tắc phân bổ vốn hướng đến công bằng vùng miền, đặc biệt ưu tiên cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa bàn khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Chính sách này nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao mức sống giữa các khu vực trong cả nước.
Khung lương mới cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước
Một nghị định mới của Chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi cách xác định tiền lương, thưởng và thù lao cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 4.
Theo Nghị định 44/2025/NĐ-CP, mức lương cơ bản của các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp nhà nước – nơi Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết – sẽ được điều chỉnh theo khung mới, thay thế cách tính cũ.
Cụ thể, mức lương cơ bản hàng tháng củachủ tịch hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị sẽ dao động từ 31 đến 80 triệu đồng.
Trưởng ban kiểm soát có mức lương cao thứ hai, từ 26 đến 66 triệu đồng. Các thành viên hội đồng quản trị và kiểm soát viên hưởng lương từ 25 đến 65 triệu đồng mỗi tháng.
Tiền lương không được ấn định cứng như trước mà sẽ được doanh nghiệp tính toán hàng năm, dựa trên các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và lợi nhuận kế hoạch.
Từ lương cơ bản, doanh nghiệp xác định lương kế hoạch cho từng chức danh, với mức trần tối đa gấp đôi lương cơ bản.
Điều này đồng nghĩa mức lương kế hoạch tối đa của chủ tịch hội đồng quản trị có thể lên tới 160 triệu đồng mỗi tháng, tăng khoảng 18% so với mức trần 135 triệu đồng theo quy định trước đây.
Nghị định mới đánh dấu một bước điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, cho phép gắn thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với kết quả hoạt động kinh doanh, thay vì áp dụng một mức trần cứng như trước.
Quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BTC, hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ tài trợ cho các hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững.
Các khoản chi bao gồm xây dựng tài liệu chuyên môn, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn. Đối tượng thụ hưởng chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương trình hỗ trợ được triển khai trên cơ sở Chương trình 167 và tuân thủ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP – văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xác định đúng đối tượng và nội dung hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Việc xác định chi phí, phân bổ kinh phí và cơ chế hỗ trợ được thực hiện theo Thông tư số 52/2023/TT-BTC. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng hoạt động áp dụng theo định mức cao nhất được quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Bộ tiêu chuẩn mới đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT, quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học.
Đây là văn bản pháp lý nhằm củng cố hệ thống đảm bảo chất lượng trong bối cảnh các trường đại học ngày càng mở rộng quy mô và đa dạng hóa chương trình đào tạo.
Thông tư này đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, làm cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá và chuẩn bị cho quá trình kiểm định.
Các tiêu chuẩn này được xây dựng theo hướng đảm bảo tính toàn diện, từ mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên cho đến điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra.
Ngoài bộ tiêu chuẩn, thông tư cũng quy định cụ thể quy trình thực hiện kiểm định và chu kỳ kiểm định chất lượng. Việc này nhằm tăng cường tính minh bạch và nhất quán trong toàn hệ thống, đồng thời tạo cơ sở để các đơn vị kiểm định độc lập thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, hiệu quả.
Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 4/4/2025. Việc áp dụng đồng bộ các quy định mới được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và quá trình hội nhập quốc tế.
Nhật Hạ