Doanh nghiệp Việt Nam lúc này cũng cần uyển chuyển ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Tại hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/4, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã ký ban hành Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế đối ứng mới lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị áp mức thuế cao nhất, lên tới 46%.
TRONG NGUY LUÔN CÓ CƠ
Mặc dù, phía Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào Hoa Kỳ - thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của chúng ta.
Theo rà soát của VCCI, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử...
“Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề, mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Không chỉ vậy, chúng ta còn đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại: hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại, “trung chuyển” hàng hóa và bị điều tra chống lẩn tránh thuế.
Tuy nhiên, người đứng đầu VCCI vẫn lạc quan cho rằng trong nguy luôn có cơ. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng tình, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng bên cạnh thách thức, 3 cơ hội vẫn rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là, chúng ta có thể mở rộng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, dù ít ỏi nhưng cần tận dụng; Xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng; Đa dạng hóa, tăng nội lực và đáp ứng các tiêu chuẩn mới, giúp tăng sức chống chịu, tự cường.
UYỂN CHUYỂN ỨNG PHÓ, BIẾN NGUY THÀNH CƠ
Trước tình hình trên, Chủ tịch VCCI đã đưa ra 5 kiến nghị để ứng phó và vượt qua thách thức.
Thứ nhất, đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng thông qua tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia… Đồng thời, khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.
Thứ ba, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
"Tập trung phát triển thị trường nội địa -100 triệu dân là trụ đỡ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp hỗ trợ để có vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng", ông Công nhận định.
Thứ tư, tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ. Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.
Thứ năm, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng. Bao gồm cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics – để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
“Thách thức này không phải lần đầu tiên Việt Nam đối mặt. Năm 1986 bắt đầu đổi mới, thì đầu năm 90 toàn bộ thị trường Đông Âu sụp đổ, kinh tế Việt Nam mất hoàn toàn chỗ dựa. Đến nay, khi chúng ta manh nha tiến vào kỷ nguyên mới thì vấp phải cú sốc này từ phía Tây bán cầu. Nhưng người Việt Nam rất giỏi trong ứng phó, doanh nghiệp Việt Nam lúc này cũng cần uyển chuyển ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ. Cần biến nguy thành cơ để đạt mục tiêu năm 2045 chúng ta sẽ trở thành nước có thu nhập cao”, ông Công nhấn mạnh.
Không những thế, ông Công cho rằng Đảng đã đưa ra bộ tứ chiến lược để Việt Nam “cất cánh”: Tái cấu trúc – sắp đặt lại giang sơn, sắp xếp bộ máy hành chính; Nghị quyết về khoa học công nghệ; Cách nhìn mới, điều kiện mới cho kinh tế tư nhân phát triển; Coi hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ thường xuyên.
Đưa ra các giải pháp ứng phó, TS.Lực nhấn mạnh giải pháp số 1 là làm sao để đàm phán thành công; Sớm đáp ứng những vướng mắc, rào cản mà phía Hoa Kỳ đã nêu với Việt Nam (24 rào cản vướng mắc trong 14 lĩnh vực). Vấn đề này đã đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ, điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mà còn rất tốt cho cả bản thân doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Mặt khác, cần hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, TS. Lực nhấn mạnh cần tập trung nhiều hơn nữa vào thị trường và doanh nghiệp nội địa (sớm trình Bộ Chính trị Đề án phát triển kinh tế tư nhân), vì đây là cơ hội vàng để chúng ta tăng sức chống chịu, tự lập, tự chủ, tự cường của mình lên.
Với doanh nghiệp, TS.Lực lưu ý, từ nay về sau cần minh bạch hóa hơn nữa về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, về mức độ trung chuyển hàng hóa, công khai rõ ràng về tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm; tận dụng tốt 17 FTA đang có, vì chúng ta mới khai thác được 31% nên còn nhiều dư địa.
“Năm nay và nhiệm kỳ mới chúng ta đang trong vận hội mới cực kỳ quan trọng, cải cách quyết liệt nên phải chuẩn bị tâm thế mới, không bàn lùi, chỉ bàn làm, để đóng góp được nhiều cho đất nước trong kỷ nguyên mới. Không chủ quan, không bi quan vì chúng ta còn nhiều dư địa, cơ hội trước mắt, người Việt luôn đứng vững, chèo chống rất tốt ở những thời điểm khó khăn như hiện nay”, ông Lực vững tin khẳng định.
Vũ Khuê