Chính sách thuế của Mỹ, nên ứng phó thay vì đối đầu

Chính sách thuế của Mỹ, nên ứng phó thay vì đối đầu
8 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, đây không phải là dấu chấm hết mà chúng ta vẫn còn đàm phán cũng như tìm giải pháp đối phó chứ không đối đầu. Trước đó ngày 31-3, Chính phủ ban hành Nghị định 73, điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với hàng loạt mặt hàng từ Mỹ, gồm khí hóa lỏng, ethanol, ô tô, nông sản, trái cây, gỗ và đồ nội thất. Có thể nói đây là một bước đi thể hiện tinh thần hợp tác và thiện chí thương lượng.
Trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump mang thông điệp, nếu đối tác muốn tránh thuế thương mại của Mỹ thì hãy đầu tư ở Mỹ để được ưu đãi nhiều về thuế.
Bên cạnh đó, thuế thương mại này cũng là công cụ chính trị: (1) sẽ làm cho những đối tác của Mỹ bất ổn, gây đứt gãy chuỗi cung ứng; (2) ông Trump tuyên bố kế hoạch áp dụng thuế “có qua có lại”, tức nước nào đánh thuế lên nước Mỹ bao nhiêu thì Mỹ sẽ áp đặt ngược lại bấy nhiêu.
Thực ra cái gọi là chính sách “nước Mỹ trên hết” bao gồm cả chính trị, kinh tế, an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Nói riêng về kinh tế, chính sách này có hai mặt. (1) Nếu đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết, Mỹ yêu cầu đối tác thương mại phải công bằng, minh bạch, hai bên phải có lợi cho nhau.
Và trong quan hệ kinh tế thương mại với thế giới, ông Trump có hai yêu cầu rất lớn, là hãy đầu tư vào Mỹ và hãy chuyển dịch chuỗi cung ứng sang nước Mỹ thì sẽ được hưởng lợi, còn nếu không thì xuất khẩu sang nước Mỹ có thể gặp những bất lợi. (2) Nước Mỹ không thể sản xuất được tất cả mọi thứ, nên có rất nhiều mặt hàng nước Mỹ rất cần. Đây vẫn là cơ hội cho mặt hàng xuất khẩu của các nước vào Mỹ.
Ông Vinh cho biết thêm, trong quá khứ vào cuối nhiệm kỳ 1 năm 2020, ông Trump đã từng cảnh báo có thể đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, chúng ta đã làm việc với các cơ quan của chính quyền Mỹ, đưa ra những dữ liệu khẳng định Việt Nam không làm phương hại đến lợi ích nước Mỹ hay các nước khác. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục có những thỏa thuận với phía Mỹ để khẳng định quan điểm nhất quán này. Và rồi mọi sự đã qua đi.
Còn hiện nay với nhiệm kỳ 2 của ông Trump, chúng ta cũng phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Việt Nam, đồng thời có hợp đồng mua thêm hàng hóa của Mỹ. Hai bên cùng tính toán để kết nối những cái mới theo hướng hai bên cùng có lợi.
Cơ chế đối thoại mà hai bên cùng có lợi sẽ tạo cho Việt Nam có quản trị về kinh tế thương mại và cả rủi ro liên quan đến tiền tệ. Hiện Chính phủ Việt Nam đang rất chủ động trong tiếp cận với Mỹ, để bảo đảm đà quan hệ kinh tế thương mại hai nước trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện.
Vấn đề đặt ra là bài học kinh nghiệm nào doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng khi đối mặt với những biến động kinh tế và chính sách thương mại quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng trong tương lai?
Theo ông Vinh, về vĩ mô, khả năng cạnh tranh thương mại và có thể là cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài, quyết liệt hơn. Trong sự thay đổi này có mặt thuận và nghịch. Nghịch là hàng rào thuế quan của Mỹ gia tăng, xuất khẩu của các nước trong đó có Việt Nam gặp rủi ro.
Khi cạnh tranh và chiến tranh thương mại diễn ra sẽ gây bất ổn về tỷ giá. Điều này sẽ tạo ra tác động nhiều chiều đến kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam. Về vi mô, chính sách thuế quan của ông Trump khiến hàng hóa Việt Nam vào Mỹ khó hơn. Và khi cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc gia tăng, hàm lượng hàng hóa, xuất xứ sản phẩm Việt có nội hàm của Trung Quốc nhiều hơn chắc chắn vào Mỹ sẽ rất khó.
Tuy nhiên vẫn có một số cơ hội. Đó là ông Trump rất chú trọng an ninh kinh tế, đặc biệt là an ninh về công nghệ. Việt Nam là quốc gia thuộc đối tác bạn bè, đối tác tin cậy của Mỹ nên có thể tranh thủ được luồng đầu tư chất lượng cao về công nghệ từ Mỹ. Đây là điểm Việt Nam cần thúc đẩy.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/chinh-sach-thue-cua-my-nen-ung-pho-thay-vi-doi-dau-post121787.html