Nếu sắp tới xuất hiện thông tin tích cực, thị trường có thể thay đổi hoàn toàn so với tâm lý lo ngại hiện tại. Ảnh minh họa
Tìm cơ hội trong thách thức
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 tuyên bố áp thuế đối ứng ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Bình luận về sự kiện này, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research cho rằng, việc Việt Nam và nhiều quốc gia khác nằm trong "tầm ngắm" của chính sách thương mại Mỹ không phải là điều quá bất ngờ. Báo cáo gần đây của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã liệt kê gần 60 quốc gia với các chính sách và rào cản thương mại cần xem xét.
Phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết đến từ nội địa
Theo các chuyên gia, một điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam hiện tại là tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu của các doanh nghiệp niêm yết chỉ chiếm khoảng dưới 20%, trong khi phần lớn doanh thu đến từ thị trường nội địa (khoảng 80%). Điều này có nghĩa là, nếu Chính phủ triển khai các chính sách kích cầu và đầu tư công, nền kinh tế vẫn có thể dựa vào nội lực để duy trì tăng trưởng trong năm nay, thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu. Do đó, tác động của chính sách thuế quan đến thị trường chứng khoán có thể chỉ chiếm khoảng 20%.
Ông Hưng cho rằng, mức thuế 46% với Việt Nam hay 54% với Trung Quốc giống như mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán để sau đó thuế có thể giảm. Không có nghĩa 46% là mức thuế áp dụng mãi mãi.
Đối với thị trường chứng khoán, theo chuyên gia SSI tin xấu có thể là tin tốt, nhưng không phải lạc quan thái quá. Với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro thương mại thuế quan với Việt Nam lớn nhất nên họ vẫn đang chờ và bán ròng mạnh trong suốt thời gian qua. Khi rủi ro đã được thể hiện và thể hiện xấu nhất thì nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét lại đầu tư vào Việt Nam.
"Họ sẽ xem các nhóm ngành nào có thể có vùng định giá hấp dẫn hơn so với trước có thể giải ngân, do đó tin xấu ra thì đó là điểm họ xem xét lại. Nếu so với định giá với thời điểm chiến tranh thương mại lần đầu 2018, thì giờ còn một nửa, áp lực bán ra mạnh không còn nhiều. Dĩ nhiên tâm lý của nhà đầu tư cá nhân sẽ có bất ổn nhất định. Còn đứng trên quan điểm của nhà đầu tư dài hạn thì thông tin này là điểm để họ đánh giá lại" - ông Hưng nói.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia từ SSI, thị trường Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ tâm lý nhà đầu tư cá nhân, chiếm hơn 90% giao dịch. Chính vì thế, thị trường có thể tiếp tục biến động khó lường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ dài hạn, đây lại có thể là cơ hội để các nhà đầu tư xem xét lại vị thế đầu tư tại Việt Nam, thậm chí theo chiều hướng tích cực hơn.
“Một mốc thời gian quan trọng cần theo dõi là ngày 8 - 9/4, khi mức thuế mới chính thức có hiệu lực. Đây cũng là thời điểm để đánh giá lại thị trường Việt Nam. Nếu xuất hiện thông tin tích cực vào thời điểm này, thị trường có thể thay đổi hoàn toàn so với tâm lý lo ngại hiện tại” - chuyên gia từ SSI nhấn mạnh.
Đâu là những nhóm ngành bị tác động
Còn theo ông Phạm Tùng Bách - chuyên gia thuộc Khối Phân tích Đầu tư tại Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest, tổng thể nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức nếu mức thuế mới thực sự được áp dụng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để đàm phán trong những ngày tới. Dự kiến, trong vòng 5 - 25 ngày tiếp theo, các thông tin chi tiết sẽ dần được công bố, với mốc quan trọng rơi vào ngày 9/4 - thời điểm có thể có thông báo cuối cùng về việc áp dụng mức thuế mới.
Đối với những nhóm ngành bị ảnh hưởng, ông Bách cho rằng chính sách thuế mới sẽ tác động trực tiếp đến ngành thủy sản. Mức thuế đối với ngành này vốn đã rất thấp, nay nếu tăng mạnh sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Bên cạnh đó, ngành may mặc và xuất khẩu sợi cũng sẽ đối mặt với nguy cơ cao. Mặc dù thời gian qua các doanh nghiệp trong ngành này đã hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhưng mức thuế 46% sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Mỹ. Ngoài ra, các mặt hàng khác như gỗ, máy móc và giày dép cũng có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Còn ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, mức thuế cao không hoàn toàn là một yếu tố tiêu cực đối với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông cho rằng, mặc dù ngành Thủy sản sẽ đối mặt với hai thách thức lớn là thuế chống bán phá giá cao và áp lực cạnh tranh, nhưng thực tế, các nhà nhập khẩu Mỹ không có quá nhiều lựa chọn thay thế vì nhiều quốc gia khác cũng chịu mức thuế tương tự. Thủy sản lại là mặt hàng tiêu dùng phổ biến với độ co giãn cầu không lớn, do đó mức độ ảnh hưởng có thể không quá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mức thuế từ 4 - 6% có thể chỉ tồn tại trong tháng 4 và có thể sẽ được điều chỉnh vào tháng 5.
Mặc dù vậy, ông Hưng cũng chỉ ra rằng chính sách thuế này không chỉ tác động riêng đến Việt Nam mà còn có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu chỉ có Mỹ áp dụng chính sách thuế này, Việt Nam vẫn có thể tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Thị trường có thể có phản ứng, nhưng tác động có thể không kéo dài
Chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu, dù mức thuế nào được áp dụng, tác động đầu tiên vẫn là gia tăng áp lực lạm phát, dẫn đến những phản ứng ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi chính sách thuế chính thức có hiệu lực, thị trường có thể có phản ứng, nhưng tác động có thể không kéo dài và sâu như trước.
Áp lực lạm phát có thể tăng trong một đến hai tháng tới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể áp dụng các giải pháp như thúc đẩy sản xuất dầu để giảm giá dầu và gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất, từ đó giảm tác động tiêu cực của thuế quan trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang tìm cách đàm phán lại với Mỹ để đạt được thỏa thuận thương mại công bằng hơn.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI): Vẫn còn nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ mang tính dài hạn
Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên hoảng loạn và bán tháo, bởi dù thuế suất cao gây khó khăn, nhưng tác động thực sự đến doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh. Cùng với đó, chúng ta có nhiều ngành ít bị ảnh hưởng và có triển vọng tốt. Chẳng hạn như bán lẻ, công nghệ, ngân hàng và tiêu dùng nội địa có thể là lựa chọn an toàn hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần theo dõi các động thái từ Chính phủ và thị trường quốc tế. Nếu có tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, thị trường sẽ sớm phục hồi. Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ mang tính dài hạn như: kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, sự hồi phục của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang kỳ vọng lớn vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống KRX…
Thu Hương - Hồng Quyên