Chính sách thuế quan mới của Mỹ đang tạo ra những biến động đáng kể trong thị trường tiêu dùng Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu và xa xỉ. Từ cà phê buổi sáng đến đồ nội thất trong phòng khách, người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với viễn cảnh chi tiêu tăng cao do các chính sách thuế quan này.
Cà phê buổi sáng trở thành xa xỉ
Cà phê, một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người Mỹ, đang trở thành mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thuế quan mới. Chính quyền Mỹ ngày 2/4 đã công bố thuế nhập khẩu 46% đối với cà phê từ Việt Nam - nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới - cùng với 32% đối với cà phê từ Indonesia và 10% đối với các nhà sản xuất Trung – Nam Mỹ như Brazil và Colombia, giá cà phê dự kiến sẽ tăng đáng kể.
Giá hợp đồng tương lai cà phê robusta ICE toàn cầu hiện giao dịch ở mức khoảng 5.390 USD/tấn. Ảnh minh họa
Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ 3 cho thị trường Mỹ - quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới - chủ yếu xuất khẩu cà phê robusta, loại thường dùng cho cà phê hòa tan và đồ uống pha sẵn.
Ông Tomas Araujo, môi giới tại Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu StoneX, chia sẻ: “Việt Nam là nhân tố lớn nhất bị ảnh hưởng. Đây sẽ là thách thức cho cả chuỗi cung ứng và người dùng cuối với chi phí đội lên”.
Một thương nhân châu Âu cho biết: “Mức thuế này tương đương với việc người mua Mỹ phải trả thêm khoảng 2.500 USD mỗi tấn cà phê”. Giá hợp đồng tương lai cà phêrobusta ICE toàn cầu hiện giao dịch ở mức khoảng 5.390 USD/tấn (tính đến ngày 3/4/2025).
Các chuyên gia cho rằng, các nhà rang xay Mỹ sẽ phải chuyển từ robusta của Việt Nam sang robusta Brazil (gọi là conilon). Tuy nhiên, nguồn cung robusta từ Brazil khá hạn chế, vì quốc gia này chủ yếu trồng arabica - loại cà phê nhẹ hơn. Điều này khiến Mỹ phải cạnh tranh nguồn conilon với ngành công nghiệp trong nước của Brazil, trong khi châu Âu và Trung Quốc có thể tận dụng nguồn cung từ Việt Nam với giá rẻ hơn.
Đồ nội thất: Chi phí trang trí nhà cửa leo thang
Ngành công nghiệp đồ nội thất cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Nhiều sản phẩm nội thất được nhập khẩu từ châu Âu và châu Á hiện đang chịu mức thuế cao hơn, dẫn đến việc tăng giá bán lẻ. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho việc trang trí và nâng cấp không gian sống của mình. Chính sách thuế quan mới đang gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghiệp nội thất tại Mỹ.
Chính sách thuế quan mới đang gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghiệp nội thất tại Mỹ. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ trang Reuters, bà Shannon Williams - Giám đốc điều hành Hiệp hội Đồ nội thất gia dụng Hoa Kỳ - cho biết, ngay cả khi có thuế quan hỗ trợ, việc đưa sản xuất quay trở lại Mỹ vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức. Đặc biệt là với nguyên liệu và chi phí lao động, các nhà sản xuất sẽ cần phải tìm ra những cách đổi mới để thích nghi và tồn tại.
Ông Doug Bassett, Chủ tịch của Vaughan-Bassett - một trong những nhà sản xuất nội thất phòng ngủ bằng gỗ lớn nhất tại Hoa Kỳ, chia sẻ: “Thuế quan chắc chắn có tiềm năng lớn hơn đối với ngành bọc nệm (upholstery) so với đồ gỗ, nhưng ngay cả vậy, ngành gỗ vẫn còn rất nhiều cơ hội”. Đối với sản phẩm gỗ, những người hưởng lợi chính sẽ là những công ty như chúng tôi - những đơn vị có nhà máy với quy mô đáng kể”, ông nói.
Ông Bassett cho biết, các doanh nghiệp hiện hữu có nhiều lợi thế hơn so với những công ty mới thành lập, phần lớn là nhờ đã vượt qua các rào cản về quy định và giấy phép.
Ô tô: Giá cả tăng vọt
Theo trang CBS News, chính quyền Tổng thống Donal Trump đã ban hành thuế 25% đối với xe ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu vào Mỹ, động thái này có thể khiến người tiêu dùng Mỹ “sốc” khi thấy mức giá mới - ngay cả đối với những chiếc xe được lắp ráp trong nước, theo các chuyên gia phân tích. Các chuyên gia nhận định, chính sách thuế này sẽ chắc chắn làm tăng giá ô tô tại Mỹ và khiến nhiều khách hàng tiềm năng phải rời khỏi thị trường.
Giá xe trung bình tại Mỹ có thể tăng từ 5.000 - 10.000 USD ngay lập tức do tác động từ thuế quan, theo ước tính ngày 31/3 của chuyên gia Dan Ives tại Công ty Chứng khoán Wedbush Securities.
Giá xe trung bình tại Mỹ có thể tăng từ 5.000 - 10.000 USD ngay lập tức do tác động từ thuế quan. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, chi phí bảo hiểm xe hơi cũng dự kiến tăng do giá phụ tùng nhập khẩu cao hơn, làm tăng chi phí sửa chữa. Dự báo cho thấy mức phí bảo hiểm trung bình có thể tăng 19%, đạt khoảng 2.759 USD (số liệu từ CBS News).
Các nhà sản xuất ô tô đã có những phản ứng khác nhau trước tình hình này. Theo trang Verge, hãng xe Ford đã triển khai chương trình "From America, For America" với giá ưu đãi cho nhân viên nhằm thu hút khách hàng trước khi giá tăng. Trong khi đó, Stellantis thông báo tạm thời sa thải 900 công nhân và tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy ở Bắc Mỹ.
Ngoài ra, thị trường xe cũ cũng chịu tác động. Giá xe cũ dự kiến tăng do nhu cầu chuyển từ xe mới sang xe đã qua sử dụng để tránh mức giá cao hơn. Tóm lại, các mức thuế mới đã dẫn đến việc tăng giá xe mới và cũ, cũng như chi phí liên quan như bảo hiểm, ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng Mỹ.
Giày dép và quần áo: Tác động đến thời trang hằng ngày
Các mặt hàng thời trang như giày dép và quần áo, nhiều trong số đó được sản xuất tại các quốc gia châu Á như Việt Nam và Bangladesh, đang phải chịu mức thuế nhập khẩu 2 con số. Điều này dẫn đến việc tăng giá bán lẻ, ảnh hưởng đến khả năng mua sắm của người tiêu dùng Mỹ.
Các mặt hàng thời trang như giày dép và quần áo, nhiều trong số đó được sản xuất tại các quốc gia châu Á như Việt Nam và Bangladesh, đang phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn từ Hoa Kỳ. Ảnh minh họa
Theo trang Reuters, giá giày thể thao Nike Jordan và Adidas Samba có khả năng sẽ tăng tại Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump áp một loạt thuế quan mới đối với các quốc gia sản xuất quan trọng trong lĩnh vực đồ thể thao và may mặc, bao gồm Việt Nam và Indonesia.
“Các công ty đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển sang các quốc gia như Việt Nam giờ đây nhận ra rằng thật sự không có nơi nào để trốn”, nhà phân tích Simeon Siegel của BMO Capital Markets nhận định.
Theo tính toán của giáo sư Sheng Lu tại Đại học Delaware, các mức thuế mới sẽ khiến thuế suất trung bình đối với hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ tăng từ 14,5% trong năm 2024 lên 30,6%. Dựa trên giá trị nhập khẩu năm 2024, điều này sẽ khiến tổng số tiền thuế đối với hàng may mặc lên tới 26 tỷ USD - hơn gấp đôi mức của năm trước.
Người tiêu dùng Mỹ đang đổ xô mua sắm trước “bão thuế”
Theo trang Abcnews, từ đồ nội thất, thiết bị gia dụng đến rượu bia, người dân Mỹ đang gấp rút mua hàng trước khi các mức thuế toàn diện của Mỹ bắt đầu tác động rõ rệt tại quầy thanh toán.
Các nhà kinh tế cho biết, thuế quan dự kiến sẽ làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày và ngày càng có nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Doanh số bán ô tô đã tăng vọt 11,2% trong tháng 3, khi người mua xe đổ xô đến các đại lý để tránh mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/4.
Mặc dù việc tích trữ một số mặt hàng vào lúc này có thể là hợp lý, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên chỉ mua trong khả năng tài chính, không nên vay nợ chỉ để “đi trước” hiệu ứng thuế quan.
Hành động tỷ phú doanh nhân Mark Cuban càng làm dấy lên lo ngại trong tuần này khi ông đăng trên mạng xã hội BlueSky, khuyên mọi người rằng nên "mua thật nhiều hàng tiêu dùng" ngay bây giờ trước khi giá cả tăng vọt. “Từ kem đánh răng đến xà phòng, bất cứ thứ gì mà bạn có thể tìm chỗ chứa trong nhà, hãy mua ngay trước khi các cửa hàng phải bổ sung hàng tồn kho”, ông Cuban viết.
Chính sách thuế quan mới đang tạo ra những thay đổi đáng kể trong thị trường tiêu dùng Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Người tiêu dùng cần cập nhật thông tin và điều chỉnh kế hoạch chi tiêu để thích nghi với tình hình mới, đồng thời tìm kiếm các giải pháp mua sắm thông minh để giảm thiểu tác động từ việc tăng giá.
Thanh Thanh
Reuters, CBS News