Các hàng rào thuế quan, nhằm xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại hàng hóa dai dẳng của Mỹ với nhiều nước. Ảnh: AFP
Mục tiêu thuế quan
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là khẩu hiệu tranh cử xuyên suốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ nhiệm kỳ đầu tiên cho đến nhiệm kỳ lần này. Và một trong những chính sách được ưu tiên sử dụng là các hàng rào thuế quan, nhằm xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại hàng hóa dai dẳng của Mỹ với nhiều nước.
Theo lập luận của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các hàng rào thuế nhập khẩu sẽ buộc các doanh nghiệp di chuyển cơ sở sản xuất về Mỹ để tránh thuế, không chỉ giúp Mỹ đón nhận nguồn vốn đầu tư ồ ạt đổ vào mà từ đó sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Khi thu nhập của người dân tăng sẽ làm cầu tiêu dùng trong nước tăng, càng góp phần giúp hồi sinh các hoạt động sản xuất nội địa. Dù giai đoạn đầu áp lực giá cả gia tăng vì ảnh hưởng bởi các sắc thuế nhập khẩu có thuế suất cao, nhưng về dài hạn khi các doanh nghiệp đã sản xuất nhiều hơn tại Mỹ thì sẽ giúp tăng cung hàng hóa và kéo giảm giá cả trở lại. Tổng thống Donald Trump cũng yêu cầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải sớm giảm lãi suất để hạn chế những tác động tiêu cực từ thuế quan.
Các công ty Mỹ vẫn đang phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác. Kế hoạch đó giờ đây có thể phá sản khi nhiều nước cũng bị áp thuế cao, khiến chi phí nhập khẩu đầu vào của các công ty Mỹ tăng vọt.
Bên cạnh đó, theo lập luận của chính quyền Tổng thống Donald Trump, chính sách thuế nhập khẩu sẽ mang lại nguồn thu khổng lồ cho nước Mỹ, giúp giảm bớt áp lực thâm hụt ngân sách. Khi nhập khẩu từ các nước giảm vì không cạnh tranh nổi bởi mức thuế suất quá cao, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ được thu hẹp. Trong trường hợp các đối tác giảm thuế và gỡ bỏ các rào cản cho hàng hóa Mỹ, hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn, giúp cán cân thương mại của Mỹ với các nước cân bằng hơn.
Dù vậy những tác động tiêu cực từ chính sách thuế là khó tránh khỏi, vì các doanh nghiệp có thể sẽ lựa chọn tăng giá bán vào thị trường Mỹ và ảnh hưởng lên khả năng mua hàng của người dân Mỹ. Theo ước tính của Fitch Ratings, thuế quan sẽ mang đến gánh nặng cho mỗi hộ gia đình Mỹ xấp xỉ 1.300 đô la Mỹ chỉ tính riêng năm 2025.
Giới phân tích dự báo thuế quan tăng cao làm giảm khối lượng nhập khẩu 24% trong năm 2025, nhưng tăng trưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, GDP thực của Mỹ có thể giảm khoảng 0,8-1% với chính sách thuế mới, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái trước các cú sốc chi phí và gián đoạn thương mại trên diện rộng.
Hiệu quả chính sách có như kỳ vọng?
Dù vậy, với Mỹ, hiệu quả của chính sách thuế quan có thể sẽ không như kỳ vọng.
Thứ nhất, đối với các ngành đang được bảo hộ nhờ chính sách thuế quan, hoặc ngay cả những doanh nghiệp đang dịch chuyển cơ sở sản xuất về lại Mỹ, các doanh nghiệp này vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào từ nước ngoài, vốn vẫn bị tác động bởi các hàng rào thuế. Do đó, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng có thể làm tăng giá bán, giảm sản lượng và ảnh hưởng lên thị trường lao động.
Thực tế các công ty Mỹ vẫn đang phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, nhiều công ty đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác. Tuy nhiên, kế hoạch đó giờ đây có thể phá sản khi lần này nhiều nước cũng bị áp thuế cao, khiến chi phí nhập khẩu đầu vào của các công ty Mỹ tăng vọt.
Một số công ty Mỹ có thể tìm cách xoay xở để né thuế, chẳng hạn chuyển sang nhập hàng từ nước không bị áp thuế cao, hoặc tìm cách lách qua nước thứ ba, nhưng với phạm vi rộng lớn các nước bị đánh thuế hiện nay, dư địa này rất hạn chế. Các công ty nội địa ít phụ thuộc nhập khẩu có thể hưởng lợi tương đối, nhưng họ cũng có thể tăng giá bán (theo xu hướng mặt bằng giá chung) thay vì tăng mạnh sản lượng.
Thứ hai, khi chi phí sản xuất tại Mỹ cao do mất lợi thế chuỗi cung ứng toàn cầu, sản phẩm của Mỹ có nguy cơ kém cạnh tranh cả trong lẫn ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng các công ty chỉ hồi hương sản xuất nếu Mỹ giải quyết được bài toán chi phí (lao động, nguyên vật liệu) và nhân lực có tay nghề - điều không thể có kết quả ngay lập tức chỉ nhờ thuế quan. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lo ngại tính bền vững của chính sách: nếu đầu tư mở nhà máy ở Mỹ mà vài năm sau chính sách thuế thay đổi, hoặc chính quyền khác lên thay sẽ hủy bỏ thuế, họ sẽ chịu rủi ro lớn.
Thực tế cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ chủ yếu do các yếu tố vĩ mô nội tại. Thứ nhất là do chênh lệch tiết kiệm - đầu tư quá lớn. Thứ hai là do đồng đô la Mỹ mạnh khiến hàng xuất khẩu của Mỹ không có được lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước khác.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, giai đoạn 2017-2021, thành công rõ rệt nhất của ông Trump là giảm được thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc và đạt được một số thỏa thuận thương mại mới. Thâm hụt hàng hóa với Trung Quốc giảm từ mức kỷ lục 419 tỉ đô la (năm 2018) xuống 311 tỉ đô la (năm 2020). Mỹ ký được USMCA thay thế NAFTA với nhiều điều khoản có lợi hơn cho sản xuất ô tô trong nước.
Tuy nhiên, giai đoạn đó, dù áp thuế nặng lên Trung Quốc và nhiều mặt hàng, thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ vẫn tăng lên mức kỷ lục. Năm 2020, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ lên tới 679 tỉ đô la, cao nhất từ năm 2008 và tăng 41% so với năm 2016. Lý do là chính sách thuế của ông Trump chỉ khiến nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, nhưng doanh nghiệp Mỹ chuyển sang nhập từ nước khác thay thế, làm thâm hụt với các nước đó tăng lên.
Về chính sách thuế lần này, giới quan sát cho rằng việc Mỹ áp thuế trên diện quá rộng có thể phản tác dụng, vì nhiều nước có thể tìm cách tăng cường hợp tác để khai thác thị trường của nhau và giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Điều này về lâu dài sẽ làm suy yếu vị thế kinh tế của Mỹ. Không ít nước đã bắt đầu tiến hành trao đổi về các hiệp định thương mại tự do không có Mỹ, và Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các khối mà nước này đang là thành viên để thoát dần ảnh hưởng của Mỹ.
Tuệ Nhiên