Sau khi phần nào đó tìm lại được sự bình tĩnh nhất định ở cuối phiên giao dịch sáng, ảnh hưởng bởi các thị trường bên ngoài, thị trường trong nước nới thêm đà giảm đôi chút khi trở lại trong phiên chiều.
Nhìn chung, vẫn là sự thận trọng cao của nhà đầu tư khiến sắc đỏ vẫn lấn át, nhưng áp lực bán mạnh không xuất hiện, các nhóm ngành dù đều giảm và mức giảm không đáng quan ngại. Chỉ số VN-Index có thời điểm lùi về dưới mốc 1.250 điểm, nhưng cũng bật trở lại thu hẹp đôi chút đà giảm khi đóng cửa.
Đóng cửa, sàn HOSE có 75 mã tăng và 322 mã giảm, VN-Index giảm 11,33 điểm (-0,89%), xuống 1.254,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 779,4 triệu đơn vị, giá trị 17.881,2 tỷ đồng, tăng 46% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 116,7 triệu đơn vị, giá trị 2.415 tỷ đồng.
Nhóm bluechip ngoài cổ phiếu SSB bất ngờ chịu lực cung gia tăng và giảm mạnh 4,4% xuống 16.500 đồng, thì phần còn lại không khác nhiều so với cuối phiên sáng, khi duy trì biên độ giá giảm chỉ trên dưới 1%, với BCM giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 1,9% xuống 66.500 đồng.
Theo sau là những cái tên MSN, GVR, SHB, MBB, TPB, POW, VHM, HPG, TCB, với mức giảm chỉ từ 1,4% đến 1,92%.
Dù vậy, thanh khoản một số bluechip tăng vọt và ghi nhận phiên này khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn HOSE, như SSI dẫn đầu với 30,7 triệu đơn vị, HPG khớp 30,3 triệu đơn vị, SHB khớp 22,1 triệu đơn vị, VPB khớp 21,1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ, với YEG, VCA, SAM, TDH là những cái tên nổi bật nhất khi chạm giá trần khi đóng cửa, thanh khoản YEG ghi nhận phiên cao nhất lịch sử với 13,5 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu chạm 17.800 đồng – mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Tăng đáng kể khác chỉ còn GEE +6,3% lên 31.600 đồng, khớp 0,65 triệu đơn vị; DC4 +4,1% lên 14.000 đồng, khớp 1,36 triệu đơn vị và QCG tăng gần 3% lên 12.400 đồng, khớp 1,47 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có sức bật tốt hơn khi vượt qua tham chiếu ở những phút cuối, dù mức tăng là không đáng kể về điểm số.
Đóng cửa, sàn HNX có 57 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,05%), lên 227,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,7 triệu đơn vị, giá trị 1.115,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,16 triệu đơn vị, giá trị 57,4 tỷ đồng.
Cũng như cuối phiên sáng, khi hầu hết các mã lớn, nhỏ thanh khoản cao đã phân hóa cao, nhưng biên độ giá ít thay đổi.
Theo đó, TNG, PVS, VFS, VC7, PVC tăng nhẹ, cùng loạt cổ phiếu TIG, MBS, MST, LAS, HUT lùi về tham chiếu.
Cổ phiếu SHS giảm 1,5% xuống 13.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 7 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã nỗ lực vào cuối phiên khi có nhịp thu hẹp đà giảm.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,37%), xuống 92,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,5 triệu đơn vị, giá trị 603,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 47,8 triệu đơn vị, giá trị 806 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hơn 15,1 triệu cổ phiếu VSF, trị giá hơn 480,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu HNG bất ngờ trở thành tâm điểm, khi khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 9,44 triệu đơn vị và giá cổ phiếu cũng tăng vọt 9,4% lên 5.700 đồng.
Đáng kể khác là TTN khi cũng tăng mạnh hơn 9% lên 21.400 đồng, khớp hơn 1,36 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2412 đáo hạn hôm nay đã giảm 18,7 điểm, tương đương -1,4% xuống 1.312,3 điểm. Khớp lệnh đạt hơn 171.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.500 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, trong đó, mã CHPG2407 thanh khoản cao nhất với 3,98 triệu đơn vị và giảm 7,5% xuống 870 đồng/cq. Theo sau là CMWG2314 với 2,1 triệu đơn vị và giảm 6,5% xuống 870 đồng/cq.
Lạc Nhạn