Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, khoảng 90.000 tỷ đồng, vì những lý do của Việt Nam và cả quốc tế.
Rộng cửa nâng hạng thị trường
Tiếp đến tháng 1/2025, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng trở lại với tổng giá trị bán ròng là hơn 7.130 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng của các ETF chiếm khoảng 8,3% tổng giá trị bán ròng.
Cụ thể, trong tháng 1, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.860 tỷ đồng trên sàn HoSE, 82 tỷ đồng trên sàn HNX và 186 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế.
Câu chuyện nâng hạng thị trường là một "chất xúc tác" cho TTCK.
Theo giới phân tích, câu chuyện về thay đổi hệ thống giao dịch cũng như nâng hạng thị trường nếu được thực hiện trong năm 2025 thì sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại. Khi các yếu tố hỗ trợ này tác động rõ ràng hơn đến thị trường thì đồng thời dòng vốn nội cũng sẽ giao dịch sôi nổi hơn khi tâm lý thị trường được cải thiện.
“Việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại TTCK Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường Mới nổi của FTSE Russell. Các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn”, SSI Research nhận định.
Thực tế, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68, trong đó có quy định về cơ chế "non-prefunding" (cho phép nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh mua chứng khoán mà không cần có tiền tại thời điểm đặt lệnh), đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Chỉ sau 3 tháng áp dụng đã có hơn 1.200 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đăng ký sử dụng cơ chế này với giá trị giao dịch chiếm 11,16% tổng giao dịch của khối ngoại.
Do đó, việc chính thức được nâng hạng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đổ vào TTCK Việt Nam và là cơ hội cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị có thể đón nhận thêm dòng vốn từ nhà đầu tư tổ chức lớn.
Chứng khoán Rồng Việt ước tính, nếu được nâng hạng, tỷ trọng vốn hóa cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging Index dự kiến đạt 0,57% (tương đương 43/7.593 tỷ USD). Theo đó, dòng vốn phân bổ vào thị trường Việt Nam có thể ước tính đạt 916 triệu USD, tương đương 2,2% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu khối ngoại nắm giữ hiện tại.
Đáng chú ý, mới đây, bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí để được nâng hạng từ thị trường Cận biên lên thị trường Mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE Russell.
“Kỳ vọng đến kỳ đánh giá tháng 9/2025, TTCK Việt Nam có thể chính thức được nâng hạng, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn từ nước ngoài”, bà Bình chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo VSDC, việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX trong năm 2025 sẽ giúp thị trường triển khai thêm nhiều sản phẩm mới, gia tăng tính thanh khoản và tối ưu hóa giao dịch. Ngoài ra, với Luật Chứng khoán sửa đổi và các cơ chế mới từ Nghị định 155, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chất lượng tham gia thị trường, tạo thêm nguồn cung cổ phiếu chất lượng cao.
Kỳ vọng thị trường IPO bùng nổ
Bên cạnh yếu tố nâng hạng, các chuyên gia kỳ vọng những thương vụ chuyển sàn sang HoSE hay phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ là động lực tiếp theo cho TTCK. Với Luật Chứng khoán sửa đổi và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ là bước đệm quan trọng để “dọn đường” trong việc niêm yết cổ phần hóa và niêm yết hàng hóa mới trong năm 2025.
Những năm gần đây, thị trường IPO tại Việt Nam nằm trong xu hướng suy giảm chung của toàn cầu. Nếu giai đoạn 2016 – 2018 là giai đoạn bùng nổ của thị trường IPO tại Việt Nam cả về số lượng thương vụ và giá trị huy động, thì bước sang năm 2019, thị trường IPO sụt giảm về số lượng thương vụ cũng như giá trị huy động, một phần do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Nhưng sang giai đoạn 2021, nhờ vào đà tăng mạnh của TTCK, số lượng thương vụ IPO và giá trị cũng hồi phục dần trở lại, mặc dù vẫn chưa trở lại mức của thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Sang năm 2022, thị trường IPO của Việt Nam lại tiếp tục bị thử thách bởi bất ổn của thị trường trái phiếu và hậu quả của việc phát triển nóng thị trường bất động sản.
Số lượng thương vụ và giá trị huy động IPO cũng giảm dần trở lại trong giai đoạn 2022 – 2024. Năm 2024, thị trường IPO chỉ có duy nhất 1 thương vụ IPO với giá trị khoảng 900 tỷ VND, chiếm 1,3% tổng vốn huy động IPO của khu vực Đông Nam Á.
Bước sang năm 2025 có nhiều yếu tố kỳ vọng cho thị trường IPO của Việt Nam phục hồi. Đầu tiên phải kể đến là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2025 nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ giải quyết tính pháp lý của Chính phủ, thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua TTCK.
Nhiều chính sách mới được ban hành như Luật Chứng khoán, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,… và các luật mới được sửa đổi trong năm 2024 sẽ có hiệu lực và thực thi trong năm 2025, cũng là các động lực thúc đẩy thị trường IPO.
Bên cạnh đó, thị trường đang chờ đợi nhiều thương vụ chuyển sàn đáng chú ý trong năm 2025. Trong đó, ông Michael Hung Nguyen, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa chia sẻ việc công ty tiếp tục kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE đối với CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã: MCH).
Đây là bước "mở khóa" nhiều giá trị, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giúp công ty có thể tiếp cận thị trường vốn rộng lớn hơn. Trong đó, mục tiêu là IPO trong năm 2025, nhưng còn tùy vào điều kiện thị trường và công ty đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đề ra.
Tương tự, CTCP Tôn Đông Á (GDA) từng lên kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE, nhưng do khó khăn của ngành thép, kế hoạch niêm yết bị hoãn lại và tạm thời niêm yết trên sàn UPCoM. Đây là một thương vụ đáng chờ đợi trong thời gian tới.
Với điều kiện niêm yết sàn HoSE là 2 năm liên tiếp có lãi và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 5%, Tôn Đông Á đã có 2 năm lãi liên tiếp và ROE của năm 2024 lên tới 9,2%. Vấn đề hiện tại là doanh nghiệp sẽ chọn thời điểm thích hợp để thực hiện thủ tục chuyển sàn khi lượng cổ phiếu còn tương đối cô đặc so với các công ty trong ngành (chỉ sở hữu hơn 114,69 triệu cổ phiếu so với các doanh nghiệp khác sở hữu từ hơn 315 triệu đến 620 triệu cổ phiếu).
Hải Giang