Nghiên cứu hợp tác với tổ chức từ thiện Medical Detection Dogs và Đại học Manchester, công bố ngày 15/7 trên tạp chí Journal of Parkinson’s Disease, đã tiến hành thử nghiệm mù đôi - trong đó cả người huấn luyện và người quan sát đều không biết đâu là mẫu bệnh nhân thực sự.
Hai chú chó tham gia thử nghiệm - giống Golden Retriever và Labrador - được huấn luyện phân biệt mùi từ các miếng gạc lấy ở vùng da có tuyến bã nhờn của người bệnh Parkinson và người khỏe mạnh. Chúng đã đánh hơi hơn 200 mẫu, được xếp ngẫu nhiên và đổi thứ tự liên tục để đảm bảo tính khách quan.
Kết quả cho thấy chó có thể nhận diện “dấu hiệu mùi” đặc trưng của Parkinson - ngay cả ở giai đoạn sớm, trước khi triệu chứng xuất hiện rõ ràng. Đây được xem là bước đột phá trong chẩn đoán bệnh vì hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm đơn giản, đáng tin cậy nào để phát hiện Parkinson ở giai đoạn đầu.
Giáo sư Nicola Rooney, Đại học Bristol, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định: “Chó đã chứng minh khả năng nhận biết mùi Parkinson với độ nhạy và đặc hiệu rất cao, cho thấy bệnh có dấu hiệu nhận diện bằng khứu giác đặc trưng. Nếu tận dụng được điều này, chúng ta có thể phát triển phương pháp chẩn đoán sớm, không xâm lấn và tiết kiệm chi phí.”
Bà Claire Guest, Giám đốc khoa học của Medical Detection Dogs, nhấn mạnh: “Parkinson có thể âm thầm tiến triển trong 20 năm trước khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Việc phát hiện sớm sẽ giúp can thiệp kịp thời, làm chậm tiến trình bệnh và giảm nhẹ triệu chứng”.
Nghiên cứu được truyền cảm hứng từ bà Joy Milne - người vợ từng nhận thấy mùi lạ trên chồng mình nhiều năm trước khi ông được chẩn đoán Parkinson - và hiện đang nằm trong chương trình Nose2Diagnose do Đại học Manchester đứng đầu. Giáo sư Perdita Barran, chuyên gia khối phổ học tại Manchester, nhận định: “Chúng tôi ngày càng có thêm bằng chứng rằng chỉ với một mẫu da đơn giản, không xâm lấn, ta có thể phát hiện Parkinson từ rất sớm – và chó có thể là mắt xích quan trọng trong hành trình này”.
Thanh Tùng (TTXVN)