Cho đi là còn mãi…

Cho đi là còn mãi…
3 giờ trướcBài gốc
Tuần qua, lần đầu tiên “Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng. Đây là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ “món quà sự sống” của người hiến tạng. Chúng ta hẳn còn nguyên niềm xúc động về câu chuyện lực lượng cảnh sát giao thông TP. Hà Nội đã hỗ trợ các chuyên gia y tế đưa trái tim được hiến tặng đến sân bay Nội Bài để chuyển vào TP. Hồ Chí Minh ghép cho bệnh nhân ngay trong đêm 24-8. Trái tim ấy của một nạn nhân vụ tai nạn giao thông mà trong lúc “sinh ly tử biệt” đau đớn nhất, gia đình anh đã đưa ra quyết định rất nhân văn là hiến tặng để cứu người khác khi anh không thể qua khỏi. Ngoài trái tim, gan, hai thận và giác mạc của anh cũng được ghép giúp cứu sống các bệnh nhân khác.
Thực tế, một người chết não hiến tặng mô tạng có thể cứu sống cho nhiều người bệnh khác. Tại Khánh Hòa, theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 150 người đã đăng ký hiến xác, hiến mô tạng, giác mạc. Có những gia đình mà cả vợ và chồng đều đăng ký hiến tạng, hay con theo gương cha đăng ký hiến tạng vì nhận thức được ý nghĩa nhân văn cao cả của việc làm này là sự ra đi sẽ có ý nghĩa khi giúp người khác hồi sinh sự sống, bởi sau khi hiến mô, tạng, thân thể của người hiến dù trở về với cát bụi thì mô tạng của họ vẫn có thể sống khỏe mạnh trên thân thể người khác.
Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước ghi nhận có hơn 8.600 ca ghép tạng được thực hiện. Các y, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 2 năm 2022 và 2023, mỗi năm, Việt Nam đã ghép hơn 1.000 ca và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh; hơn 94% tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe người hiến; người chết não đăng ký hiến tạng còn rất thấp. Theo ghi nhận từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, số ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng năm nay là 25 ca. Tính đến tháng 9-2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay, chỉ có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, chiếm 0,086% dân số, rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những rào cản về hiến tạng thì khó khăn lớn nhất là quan niệm, nhận thức của người dân về hiến tạng sau khi chết não đó là e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi họ chết, sợ gia đình, e ngại định kiến, điều tiếng từ người khác. Do đó, phải đả thông được tư tưởng, nâng cao nhận thức, tăng cường công tác truyền thông, lan tỏa ý nghĩa cao đẹp, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng với tinh thần "cho đi là còn mãi"; động viên các gia đình vượt qua đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác.
NAM DU
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoi-su-suy-ngam/202410/cho-di-la-con-mai-9f062ad/