Vừa qua, Hà Nội đã xin ý kiến nhân dân dự thảo nghị quyết quy định về mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, Thành phố dự kiến nâng mức xử phạt cao gấp 1,5 đến 2 lần so với Nghị định 168 đối với 107 hành vi. Đáng chú ý, có 5 lỗi vi phạm giao thông được đề xuất mức phạt tối đa lên tới 120 triệu đồng.
Chở quá tải, 'phá hoại' đường sá: Phạt 120 triệu đồng vẫn nhẹ?
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là quá cao so với thu nhập hiện tại của người dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với mức tăng này, cho rằng đây là hành vi không chỉ đơn thuần là vi phạm giao thông mà còn phá hoại tài sản quốc gia.
Liên quan đến nội dung trên, chia sẻ với PV báo Nhà báo và Công luận, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng mức phạt cao là cần thiết đối với các hành vi cố tình gây nguy hại nghiêm trọng, đặc biệt là chở quá tải, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng và tuổi thọ công trình.
"Tôi cho rằng việc đưa ra mức phạt bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là khả năng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đối với những hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn, cần phải có những xử lý kiên quyết và răn đe. Thứ hai là những hành vi có thể trực tiếp gây ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình giao thông, sức khỏe con người và môi trường thì cần phải xử lý nghiêm và xử lý nặng.", TS Khương Kim Tạo chia sẻ.
Dự thảo nghị quyết có 5 lỗi vi phạm giao thông được Hà Nội đề xuất tăng mức phạt tối đa lên tới 120 triệu đồng.
Cũng theo vị chuyên gia, đối với những hành vi chở quá tải, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ đường sá, cầu cống thì có thể phạt 120 triệu đồng cũng là ít. Bởi vì hành vi này là cố tình chứ không phải vô ý. Việc chở quá tải không chỉ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì vậy, cần phải có mức phạt nghiêm khắc để răn đe.
Cũng theo chuyên gia, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông cho người dân, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe. Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cùng nội dung trên, trao đổi với báo chí, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đồng tình với đề xuất tăng mức phạt tối đa lên 120 triệu đồng đối với hành vi chở quá tải, thậm chí đề xuất hình sự hóa hành vi này.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng mức phạt 120 triệu đồng là cần thiết để răn đe các trường hợp cố tình vi phạm. Theo ông, hành vi chở quá tải không chỉ đơn thuần là vi phạm giao thông mà còn là hành vi phá hoại tài sản quốc gia.
Ông Thanh dẫn chứng việc Thái Lan đã hình sự hóa hành vi này từ nhiều năm trước. "Việc chở quá tải là tài xế phá con đường, vì lợi ích của cá nhân phá hỏng cả đoạn đường/con đường. Trong khi việc sửa chữa những con đường hư hỏng lên tới hàng tỷ đồng…", ông Thanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi về việc "thừa phương tiện" nhưng xe vẫn chở quá tải, cho rằng đây là hành vi "cố tình vi phạm pháp luật". Ông Thanh đồng tình với đề xuất phạt nặng cả chủ xe và tài xế, đặc biệt là các trường hợp "tài xế cũng là chủ xe".
Minh Chí